Đổi mới công tác tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông chủ trì Hội thảo. Ảnh: moha.gov.vn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông chủ trì Hội thảo. Ảnh: moha.gov.vn

Ngày 15/6, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Nội vụ phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan nhân sự Quốc gia Nhật Bản (NPA) tổ chức Hội thảo đổi mới công tác tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm và triển khai một số quy định về cán bộ, công chức, viên chức.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông, đại diện JICA, NPA, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Đổi mới công tác tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông chủ trì Hội thảo. Ảnh: moha.gov.vn

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, cải cách chế độ công vụ là một trong sáu mục tiêu trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết số 76/NQ-TW. Nghị quyết đề ra mục tiêu thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, đồng thời thể chế hóa chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; đồng thời, tham mưu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ xác định tuyển dụng là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, là một trong những yếu tố để xây dựng thành công nền công vụ chuyên nghiệp, thực tài, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được ban hành về cơ bản đáp ứng được mục tiêu của công tác tuyển dụng; đồng thời, giải quyết một số vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn phát sinh.

Đổi mới công tác tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm ảnh 2Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: moha.gov.vn

Tuy nhiên, công tác tuyển dụng cần tiếp tục được nghiên cứu để đổi mới nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương "thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu nhiệm vụ” đã nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng thời tạo sự đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2023). Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu; tạo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng và của pháp luật về xác định vị trí việc làm. Tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử. Khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác tuyển dụng; tổng hợp, tiếp thu những phản ánh, kiến nghị và góp ý từ các bộ, ban, ngành, địa phương, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, đặc biệt là kinh nghiệm của Nhật Bản - quốc gia điển hình thành công trong việc thi tuyển công chức, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP theo hướng đột phá như thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào thay cho thi tuyển vòng 1; xác định lại hình thức và nội dung thi tuyển vòng 2 nhằm đánh giá đúng năng lực chuyên môn của thí sinh.

Cùng với đó, bỏ phần thi tin học (do kiểm định chất lượng đầu vào đã thực hiện trên máy tính), bỏ phần thi ngoại ngữ đối với những vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ; bổ sung quy định cho thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng đối với vị trí việc làm có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau…

Ngoài nội dung về tuyển dụng công chức, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định về cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đội ngũ. Cắt giảm thủ tục hành chính để giảm gánh nặng đối với đội ngũ và sửa đổi các quy định để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện.

Trong đó, có những nội dung lớn, tác động tới toàn thể đội ngũ như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, thi và xét nâng ngạch công chức; sửa đổi quy định về các bước và nội dung các bước bổ nhiệm công chức, viên chức; điều chỉnh quy định về thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật; bổ sung quy định về đánh giá, xếp loại đối với tập thể,…

Đổi mới công tác tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm ảnh 3Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Nguyễn Tư Long báo cáo tại Hội thảo. Ảnh: moha.gov.vn

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) đã báo cáo tóm tắt nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này sửa đổi, bổ sung 5 nghị định gồm: Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Các chuyên gia Nhật Bản và đại biểu tập trung thảo luận, nhấn mạnh vấn đề xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

Đổi mới công tác tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm ảnh 4Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: moha.gov.vn

Về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, các đại biểu đồng tình việc cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá…

Vân Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm