Độc đáo Tết Chăm Cha Bới của đồng bào Chứt

Độc đáo Tết Chăm Cha Bới của đồng bào Chứt

Cùng với Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) còn có 2 ngày Tết riêng đó là Tết Lấp lỗ và Tết Chăm Cha Bới. Tết Chăm Cha Bới hay còn gọi là Tết mừng cơm mới, là lời tạ ơn trời đất của người Chứt sau một mùa thu hoạch mưa thuận, gió hòa và cầu mong một mùa vụ mới bội thu.

Độc đáo Tết Chăm Cha Bới của đồng bào Chứt ảnh 1Thiếu nhi dân tộc Chứt vui nhảy sạp tại Nhà văn hóa cộng đồng của người Chứt. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 24/12 (tức ngày 12/11 âm lịch), tại bản Rào Tre, UBND huyện Hương Khê phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Tết Chăm Cha Bới cho đồng bào dân tộc Chứt.

Người Chứt ở Hà Tĩnh là dân tộc ít người sống tại bản Rào Tre với 46 hộ, 155 nhân khẩu. Những năm trước, đời sống người Chứt ở Rào Tre gặp nhiều khó khăn vì sống tách biệt với bên ngoài do giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu. Nhờ sự chăm lo của các cấp chính quyền, Bộ đội Biên phòng, đời sống của đồng bào giờ đây đã dần đổi thay, những nét đẹp trong truyền thống văn hóa cũng được chung tay gìn giữ.

Tết Chăm Cha Bới được tổ chức vào ngày 11/12 âm lịch hằng năm. Đây là nét văn hóa độc đáo, khẳng định quá trình hình thành, tồn tại và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc ít người này, trong đó có tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Tết Chăm Cha Bới cũng gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng mang đậm triết lý nhân sinh.

Độc đáo Tết Chăm Cha Bới của đồng bào Chứt ảnh 2Bà con dân tộc Chứt trình diễn tiết mục đàn môi đặc trưng. Ảnh: TTXVN phát

Trong tiếng Chứt, Chăm Cha Bới có nghĩa là mừng cơm mới, bởi đây là thời điểm nông nhàn, người dân đã kết thúc mọi công việc đồng áng, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, có đủ điều kiện để đón Tết vui vẻ. Vào dịp này, con cháu đi làm ăn xa đều trở về, bà con ngừng mọi hoạt động đi nương, đi rẫy để cùng đoàn tụ, đón Tết, chia sẻ cùng nhau sau một năm.

Cũng như các dân tộc khác, ngày Tết phải đầy đủ, đầm ấm, vui vẻ nên người Chứt chuẩn bị rất chu đáo, từ trang phục truyền thống đến các mâm cúng, lễ nghi. Từ sáng sớm, tại bìa rừng, hai cụ cao niên trong bản sẽ đứng ra cử hành nghi lễ cúng thần linh. Lễ cúng gồm có bánh chưng, xôi, lợn, gà, cá…, lễ vật sau đó sẽ được mang về chia đều cho tất cả dân bản cùng hưởng lộc.

Độc đáo Tết Chăm Cha Bới của đồng bào Chứt ảnh 3Sôi nổi phần hội tại ngày hội Tết Chăm Cha Bới. Ảnh: TTXVN phát

Sau nghi lễ tạ ơn trời đất, bà con quây quần về nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bản để cùng tham gia phần hội với những tiết mục đặc sắc, đặc biệt tái hiện và khôi phục lại các loại nhạc cụ truyền thống của người Chứt như khèn môi và đàn chư-ra-bon.

Bà Hồ Thị Nam, người dân bản Rào Tre chia sẻ, Tết Chăm Cha Bới ngày nay đã đủ đầy hơn khi được chính quyền, Bộ đội Biên phòng và các đoàn thể chăm lo đầy đủ. Người dân được cấp phát thịt, cá, nếp mới để đón Tết, các hoạt động văn hóa cũng được khôi phục để con cháu không quên truyền thống dân tộc mình.

Những năm qua, cùng với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tộc Chứt, việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh hết sức quan tâm. Cùng với Tết Chăm Cha Bới, các ngày lễ khác như Tết Lấp lỗ ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản hơn. Qua đó, góp phần gìn giữ, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những phong tục, tập quán tốt đẹp về văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê.

Độc đáo Tết Chăm Cha Bới của đồng bào Chứt ảnh 4Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trao tặng các phần quà cho bà con dân tộc Chứt nhân dịp Tết Chăm Cha Bới. Ảnh: TTXVN phát

Dịp này, Bộ đội Biên phòng, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê đã có những phần quà gửi đến đồng bào dân tộc Chứt, chúc đồng bào đón Tết Chăm Cha Bới vui tươi, ấm áp. Đồng thời mong muốn những thế hệ trẻ của người Chứt ở bản Rào Tre sẽ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm