Độc đáo ngôi đền thờ bộ xương cá voi có kích thước lớn, còn nguyên vẹn ở xứ Thanh

Độc đáo ngôi đền thờ bộ xương cá voi có kích thước lớn, còn nguyên vẹn ở xứ Thanh

Làng biển Hùng Thành (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) đang gìn giữ bộ xương cá voi có kích thước lớn và còn nguyên vẹn nhất ở Thanh Hóa. Đây cũng là điểm đến thú vị, thu hút khách du lịch quan tâm tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cá voi của người dân vùng biển xứ Thanh.

Vào đầu năm 2005, vùng biển xã Đa Lộc xuất hiện xác một con cá voi xám khổng lồ nặng 40-50 tấn trôi dạt vào bãi sú vẹt. Ngay sau đó, dân làng tập trung làm lễ, chôn cất “Ông cá voi” ven biển, trong khu vực rừng sú vẹt của xã. Sau hơn 1 năm, xác cá phân hủy, người dân nơi này đã huy động hàng chục chiếc thuyền đánh cá ra biển để đưa bộ xương cá voi khổng lồ vào bờ và tiến hành các nghi lễ đưa bộ xương về thờ tại Phủ Gảnh trong làng.

Độc đáo ngôi đền thờ bộ xương cá voi có kích thước lớn, còn nguyên vẹn ở xứ Thanh ảnh 1Ngôi đền nơi đang lưu giữ bộ xương con cá voi khủng. Ảnh: laodong.vn

Mãi đến năm 2015, khi cuộc sống khấm khá, ổn định hơn, người dân thôn Hùng Thành và Yên Lộc (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) cùng con cháu làm ăn xa quê đã cùng đóng góp, xây dựng ngôi đền thờ và làm lăng kính để trưng bày bộ xương cá voi. Từ đó, người dân trong làng gọi nơi đây là Đền thờ ông Nam Hải. Đến thời điểm này, đây là bộ xương cá voi lớn nhất xứ Thanh được người dân gìn giữ, bảo quản.

Ông Lê Văn Hải, Trưởng thôn Hùng Thành (xã Đa Lộc) cho biết: Bộ xương Ông cá voi có chiều dài khoảng 12m, khung xương rộng gần 2m, được bảo quản trong tủ kính, sắp xếp theo thứ tự từ đầu đến đuôi, với 40 đốt xương sống, 2 xương mang và 24 chiếc xương sườn, xương hình cánh quạt, xương hình cánh cung. Từng đốt xương có kích thước rất lớn. Trước khi đưa vào trưng bày trong tủ kính, mỗi chiếc xương cá từ to đến nhỏ đều được vệ sinh sạch sẽ bằng rượu nguyên chất rồi phơi nắng để chống nấm mốc.

Độc đáo ngôi đền thờ bộ xương cá voi có kích thước lớn, còn nguyên vẹn ở xứ Thanh ảnh 2Bộ xương con cá voi được lưu giữ trong một tủ kinh, tại ngôi đền thờ. Ảnh:laodong.vn

Điều đặc biệt nhất là bộ xương cá voi ở làng biển Hùng Thành còn nguyên vẹn và đầy đủ nên không cần phải cố định bằng khung gỗ hay khung inox như các bộ xương cá ở những nơi khác. Người dân chỉ cần sắp xếp đúng cấu trúc, vị trí; sau khi ghép xong, bộ xương của Ông cá voi được tạo hình hoàn chỉnh như hình dạng ban đầu của cá. Từ đó đến nay, cá Ông tọa lạc yên ổn ở ngôi đền quay mặt ra biển.

Ông Hải nhớ lại, khi chưa lập đền thờ, chưa có điều kiện trưng bày bộ xương Ông cá voi trong tủ kính, từng có một doanh nhân đã về tận làng biển Hùng Thành để xin bà con được “mua” lại bộ xương. Vị doanh nhân này sẵn sàng đầu tư làm con đường liên thôn và xây nhà văn hóa cho thôn nhưng dân làng không đồng ý. Hay như hồi chưa đưa cá Ông về thờ, đã có 2 lần người ở nơi khác đến lấy trộm 1 đốt xương sườn và 1 đốt xương sống, nhưng sau đó chính người lấy trộm phải tự đem đến trả…

Độc đáo ngôi đền thờ bộ xương cá voi có kích thước lớn, còn nguyên vẹn ở xứ Thanh ảnh 3Bộ xương con cá voi được lưu giữ trong một tủ kinh, tại ngôi đền thờ. Ảnh: laodong.vn

Bà Vũ Thị Nhưng (78 tuổi) trông coi đền thờ cá Ông nhiều năm nay cho biết: Hàng năm, bà con vùng biển này vẫn tổ chức hai lễ hội vào ngày 19 tháng Giêng là ngày giỗ của Ông và ngày 12/2 là Lễ hội Cầu ngư. Ngoài hai ngày lễ hội, cứ vào mùng 1 hoặc 15 âm lịch hay trước mỗi chuyến ra khơi, người dân trong vùng lại tập trung đến đền để dâng hương cầu sức khỏe, may mắn, bình an và thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang…

Thôn Hùng Thành có 132 hộ với gần 500 nhân khẩu, trong đó có gần 90% người dân làm nghề khai thác, đánh bắt hải sản, vì thế trong tâm thức, bà con ở đây đều xem Đền thờ ông Nam Hải là linh hồn của người dân xứ biển, là vị phúc thần sẵn sàng cứu nguy cho ngư dân khi lâm nạn trên biển.

Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) cho biết: đối với người dân miền biển xứ Thanh nói chung, vùng biển Đa Lộc nói riêng, cá voi từ lâu đã có ý nghĩa tâm linh to lớn. Cá voi được ví như vị thần Nam Hải cứu người gặp nạn giữa biển khơi. Vì thế, về lâu dài, chính quyền và nhân dân địa phương mong các nhà khoa học, các cấp, ngành liên quan đến nghiên cứu và có kế hoạch bảo quản bộ xương cá voi này để có phương án bảo tồn tốt nhất, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tham quan, nghiên cứu và phát triển du lịch.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm