Ngày 27/4, tại xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã diễn ra Lễ hội đánh bắt cá suối (thường được tổ chức vào trung tuần tháng 3 Âm lịch hàng năm) thu hút hàng nghìn người dân địa phương, khách tham quan trong và ngoài tỉnh tham gia. Đây là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Tló.
Bí thư Huyện ủy Tân Lạc Đinh Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, các xã vùng cao huyện Tân Lạc đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tham quan, khám phá, du lịch nông nghiệp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trên địa bàn đã hình thành nhiều điểm, loại hình du lịch thu hút khá đông du khách. Thu nhập từ dịch vụ du lịch đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Đinh Anh Tuấn nhấn mạnh, huyện Tân Lạc xác định, phát triển du lịch trên địa bàn các xã vùng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, địa phương tập trung phát triển theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch; đồng thời, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc. Lễ hội đánh bắt cá suối nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa gắn với việc phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Lễ hội Đánh bắt cá suối hay còn gọi là Lễ xuống đồng làm cỏ lúa. Sau khi cày bừa và cấy xong vụ Xuân lúc cây lúa đã cứng cáp, người dân trong vùng tổ chức đánh cá tập thể ở khoang suối Bo và Khoang Lở. Những con cá to nhất sẽ được dân làng dâng lên cúng thờ thành hoàng tại miếu thờ để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn… Xưa kia, đồ tế lễ ngoài xôi, rượu, nhất thiết phải có 5 con cá to nhất trong số cá đánh cá bắt được. Thầy Mo thay mặt dân toàn Mường làm lễ khấn ca ngợi công lao của các vị thành hoàng, cầu cho một năm mới mùa màng tươi tốt, bội thu.
Phần hội diễn ra từ sáng sớm tại sân bãi trước Miếu với các hoạt động văn nghệ dân gian như: Hòa tấu cồng chiêng, hát đối, hát Thường đang Bộ meẹng, múa Đâm đuống... và những trò chơi dân gian như: Thi chèo bè mảng, thi quăng chài, đánh bắt cá… và giới thiệu các món ăn độc đáo của người Mường. Ngày nay, phần hội có thêm một số các môn thể thao hiện đại như: Bơi lội, bóng chuyền, bóng đá...
Bà Đinh Thị Mạnh, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) cho biết, Lễ hội đánh bắt cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn là một trong những lễ hội rất độc đáo của Người Mường Tân Lạc. Khác với lễ hội Khai Hạ Mường Bi và lễ hội Chùa Kè Phú Vinh, Lễ hội đánh bắt cá suối được tổ chức không chỉ gắn kết cộng đồng mà còn thể hiện thái độ trách nhiệm giữa con người với mẹ thiên nhiên. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng đến người dân để họ trân trọng và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên; đồng thời, khơi dậy và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, tạo khí thế hăng say lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Chị Đoàn Thu Trang (khách du lịch tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, Lễ hội đánh cá suối đã thể hiện rõ nét văn hóa, tập quán của người dân bản địa; đồng thời, mang ý nghĩa thiết thực, tuyên truyền sâu rộng tới người dân về bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Đến với Lễ hội, mọi người được tham gia các trò chơi truyền thống, thưởng thức ẩm thực độc đáo của người Mường.
Thanh Hải