Độc đáo hương vị xôi đen

Độc đáo hương vị xôi đen
Xôi đen làm từ gạo nếp và lá sau sau rất thơm ngon.
Xôi đen làm từ gạo nếp và lá sau sau rất thơm ngon.
Xôi đen được làm từ 2 nguyên liệu chính: gạo nếp và lá cây sau sau. Cây sau sau là loại cây thân gỗ thường mọc trên núi tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Thân cây thẳng, cao khoảng trên 10 m. Lá cây sau sau có mùi thơm dịu. Để làm được món xôi đen ngon, người dân thường chọn thời điểm từ tháng 2, tháng 3 âm lịch để hái lá vì đây là thời điểm cây sau sau phát triển tốt nhất, thích hợp để làm xôi. Cây sau sau mọc trên rừng nhưng tùy từng nơi mới có. Người dân phải mất nhiều thời gian và công sức mới hái đủ lá để nấu xôi. Sau khi hái lá về, phải chọn những lá bánh tẻ thơm, đạt đủ tiêu chuẩn để xôi có màu đen bóng. Mang lá đi băm nhỏ, giã đều tay cho nát rồi đem đi phơi. Tiếp đó, mang đi ngâm nước khoảng 1 ngày để ra nhựa. Gạo làm xôi phải là gạo nếp ngon, người dân thường làm bằng nếp cái hoa vàng. Gạo nếp vo sạch, ngâm với nước lá sau sau khoảng 12 tiếng, đến khi gạo có màu xanh thẫm, thời gian ngâm càng lâu khi đồ xôi sẽ dẻo, mềm. Cuối cùng, đổ gạo vào nồi đồ lên tầm 1 tiếng là chín. Xôi đen đạt tiêu chuẩn phải có màu đen bóng, xôi dẻo tỏa mùi thơm quyến rũ của lá sau sau. Bà Hoàng Thị Lò, xóm Khào A, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) cho biết: Từ nhỏ, bà được mẹ dạy cách làm xôi đen. Theo kinh nghiệm lâu năm, để làm xôi đen ngon, màu đẹp phải chọn lá sau sau tốt. Khi làm xôi pha lượng lá đủ để tạo màu đen đẹp, nếu cho ít lá, xôi sẽ bị nhạt màu. Ngày Thanh minh, các gia đình ở xã Phúc Sen dậy từ sớm để thịt gà, đồ xôi  đặt lên bàn thờ trong nhà thắp hương tổ tiên. Cùng với thịt gà, thịt lợn, xôi lá cẩm, xôi đen trở thành món ăn không thể thiếu của người Tày, Nùng ở Cao Bằng dịp tiết Thanh minh. Là món ăn thể hiện tấm lòng thành hiếu thảo của các con cháu dâng lên tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới nhiều sức khỏe, mùa mang bội thu, cuộc sống an lành. Món xôi đen trở thành một món ăn đặc trưng của người Tày, Nùng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm