Độc đáo đội cồng chiêng nữ làng K'Lên

Độc đáo đội cồng chiêng nữ làng K'Lên
Cứ đến chập tối, những thiếu nữ Bahnar trong bộ váy truyền thống rực rỡ lại tập trung trước nhà rông của làng K’Lên để bắt đầu tập luyện cồng chiêng. Người cầm chiêng, người cầm trống tự động đứng vào vị trí. Những bước chân trần nhịp nhàng, những cái lắc hông duyên dáng, những động tác đưa lên, nhịp xuống uyển chuyển hòa quyện vào tiếng cồng chiêng lúc khoan thai, lúc trầm hùng khiến người xem say đắm. Nghệ nhân H’Nhơch chăm chú lắng nghe khi tiếng chiêng đầu tiên vang lên, hễ có nốt chiêng lạc nhịp là ông nhận ra ngay và hướng dẫn đánh lại. “Mình được người già truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng từ lúc mới 6 tuổi nên am hiểu khá nhiều bài chiêng đặc trưng của người Bahnar. Chỉ cần trong đội có người đánh bị lạc nhịp là mình nhận ra ngay”-nghệ nhân H’Nhơch, người hướng dẫn tập luyện cho đội chiêng nữ từ những ngày đầu thành lập chia sẻ.
 
Đội cồng chiêng nữ làng K’Lên. Ảnh: P.L
Đội cồng chiêng nữ làng K’Lên. Ảnh: P.L
Được thành lập từ năm 2011, đến nay, đội cồng chiêng nữ làng K’Lên có 32 thành viên với độ tuổi từ 12 đến 18, trong đó có 24 người đánh cồng chiêng, 8 người còn lại múa xoang. Để có được lớp học cồng chiêng đông đúc như hiện nay, nghệ nhân H’Nhơch cùng các già làng đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. “Ngày trước, phụ nữ trong làng đánh cồng chiêng rất giỏi. Một thời gian dài, vì nhiều lý do nên phụ nữ không còn đánh chiêng nữa. Muốn gìn giữ được bản sắc truyền thống thì tất cả dân làng phải đồng lòng, phải có đội cồng chiêng nữ; vì thế, trong cuộc họp làng, mình chia sẻ nguyện vọng của mình thì nhiều người đồng tình và hứa sẽ vận động con cháu mình đăng ký học cồng chiêng”- bà H’Nhơch nhớ lại.

Nói thì dễ, nhưng đi vào thực hiện thì quả thật rất gian nan bởi hầu hết các thành viên trong đội đang trong độ tuổi đi học, nhiều em phải đi rẫy đến tối mịt mới về nên việc duy trì tập luyện gặp khó khăn. Đánh chiêng đối với nam đã rất khó, nữ đánh chiêng lại khó gấp nhiều lần bởi có những chiếc chiêng nặng hơn 10 kg, cách cảm nhận từng nhịp chiêng của nữ cũng khó hơn. Những ngày đầu truyền dạy, nghệ nhân H’Nhơch đã phải mất rất nhiều thời gian vì phần lớn các em đều đánh chưa đúng vị trí và sai nhịp điệu, phải kiên nhẫn, đánh chậm rãi từng nhịp các em mới nhớ được. Có nhiều em tập được vài ba buổi thấy khó thì bắt đầu nản. Nghệ nhân H’Nhơch kể: “Tập được một bài chiêng phải mất gần 2 tuần vì cách cảm nhận và ghi nhớ âm thanh của các em còn yếu. Chỉ dạy mãi nhưng nhiều em cứ quên nhịp khiến mình rất mệt, nhưng nếu la mắng là chúng tự ái rồi bỏ luôn. Vì thế, mình phải bình tĩnh, kiên trì, động viên các cháu hiểu và say mê luyện tập cồng chiêng.

Khó khăn nào rồi cũng qua, thuần thục được bài chiêng đầu tiên thì việc đánh các bài chiêng sau cũng sẽ dễ hơn, các thành viên trong đội lại hăng say luyện tập nhiều hơn. Hiện tại, đội cồng chiêng nữ làng K’Lên đã chơi được khá nhiều bài chiêng truyền thống trong lễ cúng giọt nước, lễ thổi tai, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả; đồng thời, tự tin trình diễn trong các lễ hội, sự kiện lớn của xã và huyện. Brơn (12 tuổi, học lớp 2 Trường Tiểu học Đak Tơ Ver, huyện Chư Pah)- thành viên nhỏ tuổi nhất của đội cồng chiêng nữ tâm sự: Những ngày đầu, em không thể nhớ hết các nhịp chiêng, sợ bị la nên tính đến chuyện bỏ học. Nhưng thấy mấy chị đều học được nên em cũng quyết tâm. Giờ em đã theo học được 2 năm, cũng biết khá nhiều bài chiêng. Em rất vui vì có thể cùng góp sức với mọi người gìn giữ tài sản quý báu của làng.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Quang Ánh-cán bộ văn hóa-xã hội xã Ia Khươl chia sẻ: K’Lên là làng đặc biệt khó khăn của xã, tuy nhiên, phong trào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lại nổi trội nhất. Hiện tại, ở làng có 3 đội cồng chiêng, 2 đội nam và 1 đội nữ. Nhiều sự kiện văn hóa-thể thao ở huyện, đội cồng chiêng nữ của làng luôn được mời và để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Sự duy trì và phát triển của đội cồng chiêng nữ làng K’Lên đã góp phần tô điểm thêm sự phong phú trong việc gìn giữ và bảo tồn nền văn hóa truyền thống của người dân
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm