Xốc lại việc kinh doanh
Có hơn 10 năm bươn chải làm quản lý cho các công ty may của nước ngoài, cách đây 2 năm khi nghe thông tin Việt Nam chuẩn bị đàm phán gia nhập TPP, chị Võ Thị Kim Hoàng ở quận Tân Phú đã quyết định bỏ vốn thành lập công ty riêng. Hiện Công ty CP TMDV&Truyền thông Kim Hoàng của chị đã xây dựng xong nhà xưởng, tuyển dụng và đào tạo được gần 100 công nhân có tay nghề cao và chuyên nhận gia công hàng may mặc cho thị trường Nhật Bản. “Nhật là một thị trường rất khó tính, đặc biệt là những đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật. Muốn thắng được thị trường này còn phải có chữ tín, đầu tư công nghệ bài bản, quy trình kỹ thuật nghiêm túc. Việt Nam đã hoàn tất vòng đàm phán, năm nay tôi sẽ mạnh dạn đầu tư thêm vốn liếng mở rộng công việc làm ăn”, chị Hoàng cho hay.
Có hơn 10 năm bươn chải làm quản lý cho các công ty may của nước ngoài, cách đây 2 năm khi nghe thông tin Việt Nam chuẩn bị đàm phán gia nhập TPP, chị Võ Thị Kim Hoàng ở quận Tân Phú đã quyết định bỏ vốn thành lập công ty riêng. Hiện Công ty CP TMDV&Truyền thông Kim Hoàng của chị đã xây dựng xong nhà xưởng, tuyển dụng và đào tạo được gần 100 công nhân có tay nghề cao và chuyên nhận gia công hàng may mặc cho thị trường Nhật Bản. “Nhật là một thị trường rất khó tính, đặc biệt là những đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật. Muốn thắng được thị trường này còn phải có chữ tín, đầu tư công nghệ bài bản, quy trình kỹ thuật nghiêm túc. Việt Nam đã hoàn tất vòng đàm phán, năm nay tôi sẽ mạnh dạn đầu tư thêm vốn liếng mở rộng công việc làm ăn”, chị Hoàng cho hay.
|
Cùng tinh thần lạc quan như chị Hoàng, anh Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Công ty TNHH nội thất Toàn Thiên Ấn, cũng đầy ắp với những dự định trong năm mới. Khi tham gia TPP, ngành gỗ dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều vì hầu hết các đối tác xuất, nhập khẩu gỗ đều nằm trong nhóm những nước tham gia hiệp định. Lúc này các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước sẽ có thị trường lớn mạnh, quan hệ thương mại trong nhóm nước cùng tham gia hiệp định sẽ thuận lợi hơn, thu hút mạnh vốn đầu tư của các quốc gia trong ngành. “Muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nhóm các quốc gia được ưu đãi thuế suất thì các doanh nghiệp gỗ trong nước phải bảo đảm 70% số nguyên liệu sản xuất trong nội khối, 30% còn lại nhập từ các nước khác. Trong đó, doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được lợi thế mua nguyên liệu với thuế suất bằng 0% và được công nhận tính hợp pháp của nguyên liệu. Ngoài ra, chúng tôi cũng dễ dàng tiếp cận được công nghệ mới, quản trị mới của các quốc gia tiên tiến, chất lượng sản phẩm gỗ theo đó sẽ cao hơn”, anh Toàn phấn chấn.
Thuộc thế hệ 9X và là cựu sinh viên của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, năm 2015, anh Hồ Ngọc Kính quyết định cùng với một người bạn tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh thành lập công ty về bất động sản. Công ty CP TM DV Nhà VinaHome do anh làm giám đốc chuyên kinh doanh cho thuê văn phòng, mặt bằng kinh doanh, trang trí nội thất được ra đời từ ý tưởng này. “Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong một giai đoạn lịch sử. Hiện chúng ta đã lần lượt gia nhập hầu hết những Hiệp định Thương mại quan trọng như: Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Hàn Quốc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)... Khi TPP hoàn tất đàm phán sẽ là cột mốc lớn vì lúc này Việt Nam đã thiết lập được luật chơi mà những nước gia nhập sau khó có được. Tôi tin năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ sôi động và lĩnh vực bất động sản sẽ đem lại nhiều cơ hội cho giới đầu tư. Năm nay sẽ là một năm hứa hẹn nhiều bận rộn của doanh nghiệp mình”, anh Kính cho biết.
Không chủ quan
Có cái nhìn thận trọng và xa hơn, chị Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Dương, cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc mới thành lập cần có một chiến lược và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về những hiệp định kinh tế mà Việt Nam vừa tham gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, việc hội nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đối diện rất nhiều thách thức vì phải phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh, tăng thị phần, lợi nhuận... trong khi thực tế, họ chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.Thông tin từ các hiệp định thương mại là điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần tiếp cận ngay để xem lợi ích mà mình tìm kiếm nằm ở đâu, thách thức ở chỗ nào, từ đó xác định chuẩn bị gì để có thể tham gia cuộc chơi lớn này.
“Hiệp định TPP mở ra trang mới cho kinh tế Việt Nam khi xóa bỏ nhiều rào cản bao gồm: thuế quan, hàng hóa xuất nhập khẩu... nhưng điều quan trọng nhất của các doanh nghiệp là khi gia nhập TPP, doanh nghiệp phải biết phát huy thế mạnh trong chuỗi cung ứng sản phẩm của mình. Bản thân doanh nghiệp của tôi ngay từ bây giờ đã chủ động học hỏi, chuẩn bị sẵn sàng các công cụ phòng chống rủi ro biến động về giá; đảm bảo yêu cầu các hàng rào bảo hộ kỹ thuật, gia tăng hiểu biết về quy trình giải quyết tranh chấp; thay đổi chính sách... để kịp thời có phản ứng tích cực khi sự cố xảy ra”, chị Phương cho hay.
Đồng quan điểm với chị Phương, anh Kính cho biết, trong nền kinh tế Việt Nam, đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vẫn chiếm số đông khi mỗi năm tạo ra thêm hơn nửa triệu lao động mới và đóng góp hơn 40% GDP. Tuy nhiên, do năng lực cạnh tranh kém, thời gian qua, hàng vạn doanh nghiệp nhóm này đã phải ngừng hoạt động và đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đối diện với cơ hội và thách thức mới để làm thế nào tận dụng cơ hội là điều không hề đơn giản. Ngoài ra việc xâm nhập thị trường Việt của các doanh nghiệp lớn nước ngoài còn tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như đứng ngoài. Vì vậy, nếu không có những định hướng, quyết sách kinh doanh đúng đắn, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trên sân nhà.
Có nhiều năm hoạt động trên các thị trường xuất khẩu, theo anh Toàn, cản trở trên “sân khách” cũng không hề ít. TPP dẫn đến cắt giảm thuế suất nhiều mặt hàng và chính phủ các nước sẽ gia tăng hàng rào thương mại, dẫn đến việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu sẽ đè nặng lên doanh nghiệp Việt Nam. “Áp lực hội nhập đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng lớn hơn và sẽ là vật cản vô hình cản bước tiến của không ít doanh nghiệp kém bản lĩnh. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đang tính toán áp dụng các hành động phi thị trường để bảo hộ nền sản xuất trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi đang lo ngại sẽ bị tổn thất. Càng hội nhập nguy cơ khó khăn sẽ càng cao và doanh nghiệp sẽ phải trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm cũng như cùng đoàn kết lại nhằm tận dụng tốt cơ hội, giảm thiểu những khó khăn trên con đường đi tới thành công”, anh Toàn kết luận.
Báo Tin Tức