Điện Biên tổ chức cuộc hội ngộ của những giáo viên miền xuôi lên công tác tại các tỉnh miền núi

Điện Biên tổ chức cuộc hội ngộ của những giáo viên miền xuôi lên công tác tại các tỉnh miền núi
Ngày 18/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019) và 60 năm Đoàn giáo viên miền xuôi lên công tác tại các tỉnh miền núi (1959 - 2019). 
Các thế hệ thầy cô giáo và học sinh chia sẻ tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Các thế hệ thầy cô giáo và học sinh chia sẻ tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Cách đây 60 năm, với chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, 860 giáo viên miền xuôi đã tình nguyện lên miền núi phục vụ sự nghiệp giáo dục. Tỉnh Lai Châu cũ (nay tách ra thành hai tỉnh Điện Biên Lai Châu) được đón hơn 500 giáo viên. Trước khi tỏa về vùng miền núi khó khăn, các thầy cô vinh dự được Bác Hồ đến thăm hỏi, động viên. Nhờ vậy, những giáo viên tình nguyện trẻ tuổi lúc bấy giờ đã nhiệt tình vượt đường sá xa xôi để đem ánh sáng văn hóa về bản làng, mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp giáo dục ở Tây Bắc.

Những ngày đầu, các thầy cô tự tay dựng trường, thầy trò vừa học vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Để tiện cho giao tiếp, thầy dạy trò chữ quốc ngữ, trò dạy lại thầy tiếng dân tộc của mình, từ đó thắt chặt tình thầy, trò nơi biên giới. Trong Đoàn giáo viên năm 1959 đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như thầy Nguyễn Văn Bôn, Anh hùng Lao động, người đặt nền móng cho giáo dục huyện Mường Tè; thầy Lê Thúc Kỷ, thầy Vũ Kim Thuần với nhiều đóng góp xây dựng phong trào giáo dục ở huyện Điện Biên…

Tại buổi tọa đàm, các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh, đặc biệt là những giáo viên năm 1959, đã chia sẻ những câu chuyện cảm động về hành trình mang con chữ đến với đồng bào vùng cao Tây Bắc.

Nhớ lại những ngày đầu khi lên công tác ở Tây Bắc, thầy Lê Thúc Kỷ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ), cho biết: Năm 1959, một đoàn xe đưa chúng tôi từ Hà Nội lên Sơn La, sau đó chúng tôi tỏa ra các nơi để nhận công tác. Lúc bấy giờ từ Thuận Châu (Sơn La) đi về các huyện ở Lai Châu cũ chưa có xe nên mọi người đều phải đi bộ, bản thân thầy cũng mang ba lô đi bộ mất 3 ngày để đến huyện Điện Biên. Tại đây lúc bấy giờ mỗi xã được cắm một giáo viên, chúng tôi phải ở cùng người dân vì không có trường học. Các thầy, cô phải cùng nhân dân xây dựng trường và vận động học sinh ra lớp. Để nói chuyện với người dân, giáo viên phải học tiếng dân tộc bản địa. Bởi vậy, giáo viên lúc ấy vừa phải học tiếng dân tộc, vừa dạy học, vừa làm công tác tuyên truyền.

Cũng là một giáo viên tình nguyện lên công tác Tây Bắc năm 1959, cô Lê Hồng Liên, nguyên Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên (tỉnh Lai Châu) cũ, chia sẻ: Khi lên công tác ở Tây Bắc, cô mới 17 tuổi. Đối với một người con gái còn trẻ, lên nhận công tác ở một địa bàn miền núi xa xôi là vô cùng khó khăn, vất vả. Đến bây giờ, được trở lại với Điện Biên, cô nhận thấy sự nghiệp giáo dục ở đây đang từng ngày phát triển mạnh mẽ. Cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên ngày càng hiện đại, chất lượng giáo dục dần bắt kịp với các tỉnh miền xuôi. Cô rất tự hào vì đã góp chút công sức của mình trong chặng đường giáo dục ở Điện Biên.

60 năm trôi qua, đến nay, mạng lưới trường, lớp học ở tỉnh Điện Biên tăng nhanh, phủ kín các bản làng xa xôi của tỉnh. Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 532 trường gồm 177 trường mầm non, 173 trường tiểu học, 128 trường trung học cơ sở, 33 trường trung học phổ thông, 4 trường cao đẳng… Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường các cấp tiểu học liên tục tăng, hệ thống trường chuyên, trường chất lượng cao, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển và củng cố. Năm 2000, tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Năm 2008, Điện Biên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; năm 2014 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở mức độ 2.

Đội ngũ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, toàn ngành hiện có trên 16.000 người, trong đó cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 99%. Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có 326 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Xuân Tư
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm