Lợi dụng sự thiếu hiểu biết cộng với hoàn cảnh khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Điện Biên, một số đối tượng đã thực hiện các hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” như cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản… Thực trạng này khiến nhiều người dân vùng cao rơi vào hoàn cảnh mất nhà do không có đủ khả năng hoàn trả, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Điện Biên Đông là địa phương từng xảy ra tình trạng “tín dụng đen” bởi sự xuất hiện của một đối tượng có tên Nguyễn Thế Trì (sinh năm 1974, trú tại bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông). Đây là đối tượng có điều kiện về kinh tế, không đăng ký kinh doanh, tự đứng ra cho một số người dân trên địa bàn xã Mường Luân và các xã lân cận vay tiền với lãi suất cao, từ 104 - 189%/năm. Hoạt động "tín dụng đen" mà đối tượng Nguyễn Thế Trì thực hiện đã đẩy nhiều trường hợp thế chấp sổ đỏ để vay tiền nhưng do lãi suất cao, không đủ khả năng trả nợ phải chuyển nhượng sổ đỏ cho đối tượng này.
Theo ông Lò Văn Mai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Luân, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn tuyệt đối không vay tiền của đối tượng này nhưng có nhiều hộ dân vẫn vay. Chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con vay tiền theo nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bởi việc vay vốn bên ngoài sẽ không kiểm soát được nguồn vốn và lãi suất cũng không cụ thể, rõ ràng.
Sau thời gian thu thập thông tin, tài liệu từ nhiều nguồn cung cấp, Công an tỉnh Điện Biên đã nắm rõ được hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” của đối tượng Nguyễn Thế Trì. Công an tỉnh đã xác lập chuyên án 1220T để đấu tranh, triệt phá đường dây hoạt động "tín dụng đen" này. Ngày 17/12/2020, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) chủ trì, phối hợp với Công an huyện Điện Biên Đông phá chuyên án 1220T, bắt Nguyễn Thế Trì. Qua quá trình điều tra, khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng Công an đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến hoạt động phạm tội của đối tượng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thế Trì về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, những năm gần đây, các loại hình kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ tài chính trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng, nhiều đối tượng đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để thực hiện các hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” như cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản… Từ năm 2019 đến tháng 3/2021, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ, 13 bị can về các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, kết quả điều tra cho thấy, nạn nhân của “tín dụng đen” chủ yếu là thanh thiếu niên không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, tham gia cờ bạc, cá độ, lô đề, nghiện hút ma túy… do không có tiền phải đi vay “nóng” để tiêu xài với lãi suất cao. Bên cạnh đó, nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản thế chấp, phần nhiều là người dân tộc thiểu số do thiếu hiểu biết nên bị các đối tượng chèn ép, thu lãi cao gấp nhiều lần so với quy định. Đa số các nạn nhân bị đe dọa, sợ bị trả thù không dám tố giác, một số không hợp tác với cơ quan chức năng dẫn đến công tác điều tra, xử lý tội phạm này chưa cao, tội phạm ẩn còn nhiều. Mặt khác, các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cho vay, cầm đồ để thực hiện các hành vi cho vay lãi nặng. Nhiều đối tượng có điều kiện về kinh tế, không đăng ký kinh doanh, tự đứng ra cho vay thu lãi cao; lãi suất cho vay chủ yếu là tự thỏa thuận, không thể hiện trên giấy tờ nên công tác phát hiện, điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Điện Biên đã phát hiện một số nhóm đối tượng từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng… tìm cách liên hệ, móc nối với các đối tượng trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhằm thực hiện các hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê khiến công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này càng khó khăn, phức tạp.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng, để ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn Điện Biên, Công an tỉnh sẽ tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, sẽ huy động sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng chống tội phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhấn mạnh về các phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen”. Qua đó, để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh, tố giác với loại tội phạm này và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính vi phạm, lợi dụng kinh doanh để hoạt động cho vay lãi nặng. Lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn, các đối tượng ngoại tỉnh, đối tượng hoạt động lưu động; kiên quyết không để hình thành các băng nhóm tội phạm “tín dụng đen” hoạt động có tổ chức kiểu “xã hội đen”. Công an tỉnh tập trung lực lượng nhanh chóng điều tra, làm rõ các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”; phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy xét, xử lý các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, lựa chọn đưa một số vụ án điểm ra xét xử lưu động nhằm nâng cao hiệu quả công tác răn đe, giáo dục, phòng ngừa trong nhân dân.
Xuân Tư