Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam phát biểu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Điện Biên về công tác dân vận đã được nâng lên. Nội dung lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác dân vận có trọng tâm, hình thức đa dạng, phương thức hoạt động phong phú. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được phát huy và mở rộng. Công tác tham mưu của hệ thống dân vận các cấp từng bước đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả. Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước có chuyển biến tích cực theo hướng công khai, dân chủ, gần dân, vì nhân dân phục vụ, có chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và những vấn đề khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, địa bàn dân cư thiết thực, hiệu quả; phát huy chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, về dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Dân vận khéo”.
Công tác dân vận đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đoàn kết các dân tộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Qua đó góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Công tác dân vận đã góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tạo được sự đồng thuận trong xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW tại địa phương cũng còn một số hạn chế, như việc triển khai Nghị quyết số 25 ở một số cấp ủy chưa kịp thời; việc cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận còn lúng túng. Công tác phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị chưa thường xuyên, chặt chẽ; việc thực hiện quy chế dân chủ có nơi còn hình thức, công tác cải cách hành chính đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa rõ rệt. Ngoài ra, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, xây dựng chính quyền, đặc biệt là ở cơ sở chưa chủ động, thường xuyên.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Điện Biên đạt được trong công tác dân vận. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Điện Biên vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây ảnh hưởng đến chính trị, an ninh trật tự, đặc biệt là ảnh hưởng đến công tác vận động quần chúng. Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị tỉnh Điện Biên cần quan tâm hơn nữa đến công tác dân vận, nỗ lực thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận, đặc biệt chú trọng công tác dân vận ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, qua đó đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội tại các địa bàn.
Trước đó, ngày 8/9, Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương đã thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền huyện Điện Biên và xã biên giới Pa Thơm (huyện Điện Biên). Tại đây, Đoàn công tác đã trao tặng 50 suất quà cho 50 học sinh là con em các dân tộc thiểu số và 11 suất quà cho các gia đình hộ nghèo dân tộc Cống sinh sống trên địa bàn xã Pa Thơm.
Xuân Tư – Xuân Tiến