Điểm mới trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức thông tin với báo chí về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: bnews.vn
Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức thông tin với báo chí về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: bnews.vn

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia đã có cuộc thông tin với báo chí về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Điểm mới trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ảnh 1Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức thông tin với báo chí về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: bnews.vn

Thông tin về những điểm mới của Bộ tiêu chí mới, ông Đào Đức Huấn, Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết, Bộ tiêu chí OCOP mới được thực hiện trên nguyên tắc kế thừa tối đa Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020 đã được ban hành theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg; chỉ điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương.

Theo đó, cơ bản giữ 26 bộ sản phẩm như Quyết định số 1048/QĐ-TTg. Tuy nhiên, thay đổi như: bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm sinh vật cảnh, gồm: hoa, cây cảnh và động vật cảnh; gộp nhóm sản phẩm về sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí thành Bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ; bổ sung một số sản phẩm chưa được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg vào bộ sản phẩm, như: mật ong, tinh dầu…

Về cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP, ông Đào Đức Huấn cho biết, vẫn giữ nguyên cấu trúc của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 3 phần là sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, có sự điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần.

Lý do điều chỉnh cơ cấu điểm là nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng tiếp cận và yêu cầu triển khai của Chương trình OCOP. Theo đó, nâng cao vai trò và giá trị cộng đồng; nâng cao giá trị, tính đặc trưng của sản phẩm thông qua câu truyện sản phẩm; nâng cao yêu cầu về các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giảm bớt các chỉ tiêu đánh giá chất lượng cảm quan.

Cùng với đó, nội hàm các nội dung của các tiêu chí cũng được bổ sung, làm rõ như: đối với sản phẩm tươi sống thì tiêu chí thể hiện là nguồn gốc sản phẩm thay vì nguyên liệu; liên kết chuỗi sản xuất được quy định theo khối lượng đầu vào/nguyên liệu đầu vào; điều chỉnh cơ cấu điểm của các chỉ tiêu theo hướng nâng cao điểm số đánh giá về vai trò và sức mạnh của cộng đồng…

Đặc biệt, Bộ tiêu chí mới bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, như: sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số,… nhằm phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Một số tiêu chí bắt buộc theo mức phân hạng sao như: yêu cầu sản phẩm có nguồn gốc/nguyên liệu địa phương; năng lực và hợp đồng liên kết sản xuất; sử dụng lao động địa phương; yêu cầu về bản sắc, trí tuệ địa phương của sản phẩm; yêu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ; công bố tiêu chuẩn chất lượng…

Về đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, UBND cấp huyện sẽ đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia).

Việc phân cấp để UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP; giảm tải khối lượng công việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh.

Để hỗ trợ cho cấp huyện đảm bảo đủ năng lực đánh giá, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết, hội đồng đánh giá sẽ có sự tham gia tối thiểu của 4 đơn vị là: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường và một sở chuyên ngành quản lý nhà nước sản phẩm đó. Như vậy, UBND cấp huyện sẽ yên tâm để lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Đến ngày 31/12/2022, cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP; trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,6% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao của 4.479 chủ thể OCOP.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm