Dịch COVID-19: Việt Nam thực hiện trên 1 triệu xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR

Tại Đà Nẵng, việc lấy mẫu xét nghiệm cho người nước ngoài được thực hiện bằng phương pháp là huyết thanh học (ELISA). Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Tại Đà Nẵng, việc lấy mẫu xét nghiệm cho người nước ngoài được thực hiện bằng phương pháp là huyết thanh học (ELISA). Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính từ khi bùng nổ dịch COVID-19 đến 15h ngày 24/8/2020, Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR. Riêng trong ngày 24/8 đã thực hiện 11.698 mẫu.

Dịch COVID-19: Việt Nam thực hiện trên 1 triệu xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR ảnh 1Tại Đà Nẵng, việc lấy mẫu xét nghiệm cho người nước ngoài được thực hiện bằng phương pháp là huyết thanh học (ELISA). Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Trong vòng 1 tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần 1 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu.

Ở giai đoạn thứ nhất từ 22/1 đến 5/3, các cơ sở đã xét nghiệm 3.094 mẫu (44 ngày, tương đương 70 mẫu/ngày).

Giai đoạn thứ hai từ 06/3 đến 22/4 đã xét nghiệm 182.109 mẫu (47 ngày, tương đương 3.874 mẫu/ngày).

Giai đoạn thứ ba từ 23/4 đến 23/7 đã xét nghiệm 237.815 mẫu (91 ngày, tương đương 2.613 mẫu/ngày).

Giai đoạn thứ tư từ 24/7 đến nay đã xét nghiệm 485.215 mẫu (30 ngày, khoảng 16.173 mẫu/ngày).

Hiện toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Xét nghiệm Realtime RT-PCR là phương xác định sự hiện diện của virus trong mẫu bệnh phẩm thông qua vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2. Kết quả Realtime RT-PCR xác định người đang nhiễm bệnh, đáp ứng được yêu cầu phát hiện sớm, nhằm cách ly và điều trị cũng như kịp thời có các biện pháp phòng dịch thích hợp.

Trước đó, ngày 20/8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thủ trưởng y tế của các bộ, ngành; bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, lao, bệnh phổi, ung thư, tim mạch về việc tăng cường năng lực xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 tại các bệnh viện.

Theo đó, bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định, bệnh viện đang làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tiếp tục được củng cố năng lực xét nghiệm phục vụ nhu cầu tại bệnh viện và tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị khác khi được yêu cầu.

Các bệnh viện hiện có trang thiết bị, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR phải sớm triển khai thực thực hiện xét nghiệm để tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Các bệnh viện cần tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm ca nhiễm SARS-CoV-2 đối với người đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ. Đặc biệt lưu ý tới người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm