Dịch COVID-19: Thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch

Cán bộ xét nghiệm phải làm việc liên tục. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN
Cán bộ xét nghiệm phải làm việc liên tục. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN

Hơn một tháng qua, tỉnh Cà Mau trở thành điểm nóng về dịch COVID-19. Trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, những người làm công tác chuyên môn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dù luôn phải đối diện với nhiều áp lực, vất vả và cả rủi ro, nhưng quyết tâm không lùi bước, tất cả vì sức khỏe, sự bình an cho cộng đồng.

Tạm gác nỗi niềm riêng

Gần 3 tháng qua, chị Lê Cẩm Tú, cán bộ xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn túc trực tại cơ quan để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi ngày đều hơn 12 tiếng đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ, nhưng chị Lê Cẩm Tú vẫn lạc quan, xét nghiệm kịp thời, chính xác, từ đó triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Chị Lê Cẩm Tú chia sẻ, thời điểm này, ở vị trí nào mọi người cũng chỉ mong dịch mau hết. Do đó, mọi người động viên nhau, mỗi người một nhiệm vụ, cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy công việc nhiều áp lực, không có nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân, nhưng chị Tú xem đây là trách nhiệm và thấy tự hào khi được đóng góp một phần công sức vào việc đẩy lùi dịch bệnh.

Dịch COVID-19: Thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch ảnh 1Phải làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với các mẫu bệnh phẩm, nên áp lực đối với những cán bộ làm công tác xét nghiệm, chẩn đoán COVID-19 là rất lớn. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN

Hơn 20 giờ, anh Trịnh Huỳnh Khánh Băng cùng kíp trực mới tạm hoàn thành công việc. Trong căn phòng nghỉ được bố trí cho cán bộ tăng cường, anh Trịnh Huỳnh Khánh Băng kể lại, anh được tăng cường từ Bệnh viện Đa khoa huyện Đầm Dơi vào bộ phận xét nghiệm Realtime RT - PCR từ giữa tháng 7 đến nay. “Lên đây 3-4 tháng, rất nhớ nhà. Mình cũng như nhiều bạn bè muốn về thăm nhà nhưng thời điểm này cẩn thận vẫn hơn”, anh Trịnh Huỳnh Khánh Băng cho hay. Bộ phận xét nghiệm của anh được sắp xếp ở riêng với các bộ phận khác để tránh lây nhiễm chéo. Thời gian đầu, mỗi ca anh chỉ làm 8 tiếng, nhưng sau này lượng mẫu tăng, thời gian trực cũng nhiều hơn. Hôm nào lượng mẫu ít thì tầm 7-8 giờ tối anh và đồng nghiệp có thể nghỉ. Hôm nào nhiều mẫu, mọi người phải làm liên tục, có khi đến nửa đêm vẫn chưa được ăn cơm chiều.

Anh Lâm Quốc Đạt, cán bộ tăng cường từ Bệnh viện đa khoa huyện Cái Nước cho biết, trước khi dịch bệnh phức tạp, trong ca trực mỗi người sẽ làm một khâu. Khi mẫu xét nghiệm nhiều, mỗi người vừa làm nhiệm vụ của mình, vừa hỗ trợ tổ khác để kịp thời trả kết quả. “Công việc vất vả nhưng mọi người luôn động viên nhau. Nhờ vậy, tất cả cùng nhau vượt qua khó khăn, bớt nhớ nhà”, anh Lâm Quốc Đạt bộc bạch.

Dịch COVID-19: Thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch ảnh 2Cán bộ xét nghiệm phải làm việc liên tục. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN

Nhận được tin báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trên địa bàn phường vừa phát sinh chùm ca bệnh mới, gần nửa đêm, anh Tôn Duy Đang cùng các thành viên khác trong Trạm y tế lưu động Phường 7, thành phố Cà Mau, tức tốc xuống địa bàn thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên của Trạm y tế lưu động luôn nhắc nhau tích cực hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ, theo sát địa bàn, quản lý, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà. Việc nắm rõ địa bàn, hoàn cảnh của các hộ trong khu vực, nhất là khu vực phong tỏa sẽ hỗ trợ nhiều cho việc điều tra, truy vết.

Đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ chung

Để đáp ứng yêu cầu chống dịch, công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng Realtime RT - PCR tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đóng vai trò rất quan trọng vì hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Dịch COVID-19: Thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch ảnh 3Bộ phận tiếp nhận nhận mẫu test nhanh tại cơ sở trước khi đem xét nghiệm bằng phương pháp RT - PCR. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Từ đầu đợt dịch đến nay, nhân lực tại Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng của Trung tâm được chia làm 3 tổ với 2 ca trực. Mỗi tổ với 8 thành viên làm việc liên tục 12 tiếng/ca mới có thể xử lý số lượng mẫu, bình quân khoảng từ 5.000 mẫu/ngày. Ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng cho biết, công việc đòi hỏi độ chính xác cao, từ khâu nhận mẫu, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, báo cáo trả kết quả… Tất cả các quy trình đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác. Do đó, áp lực đối với những cán bộ làm công tác xét nghiệm, chẩn đoán rất lớn, đó là chưa kể đến những yếu tố nguy cơ do phải làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với các mẫu bệnh phẩm.

Dịch COVID-19: Thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch ảnh 4Nhân viên làm công việc xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN
Dịch COVID-19: Thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch ảnh 5Nhân viên Trạm y tế lưu động phường 7 làm việc tại khu phong tỏa. Ảnh: Huỳnh Anh – TTXVN

“Những cán bộ thực hiện công việc xét nghiệm không chỉ có chuyên môn vững vàng mà tâm lý, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn luôn được đề cao. Có như vậy mới đảm bảo không xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất”, ông Nguyễn Văn Diện nhấn mạnh.

Hiện nhân lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có 122 người, có thời điểm quá tải ở tất cả các tuyến. “Do đó, sự hỗ trợ của các lực lượng như công an, đoàn thể, địa phương... rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, dự báo sẽ kéo dài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã dàn mỏng lực lượng để đảm nhiệm công việc xuyên suốt. Chúng tôi thường xuyên động viên, chia sẻ cùng nhau để hoàn thành tốt công việc chung”, bác sĩ Đặng Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ.

Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, những nỗ lực thầm lặng của những người nơi tuyến đầu chống dịch là chưa đủ, vẫn cần sự chung tay, góp sức và ý thức từ toàn thể cộng đồng, xã hội.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm