Dịch COVID-19: Ngày 8/6, ghi nhận thêm 175 ca mắc mới; tiếp nhận hỗ trợ cần thiết cho ngành y tế

Dịch COVID-19: Ngày 8/6, ghi nhận thêm 175 ca mắc mới; tiếp nhận hỗ trợ cần thiết cho ngành y tế

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 8/6, Việt Nam ghi nhận thêm 55 ca mắc COVID-19 (từ bệnh nhân 9104 đến 9158) gồm 2 ca nhập cảnh, được cách ly tại An Giang. Trong nước ghi nhận 53 ca mắc mới, riêng tại Bắc Giang ghi nhận 21 ca, Bắc Ninh 15 ca, Thành phố Hồ Chí Minh 14 ca, Hà Nội 2 ca và Hà Tĩnh 1 ca. Trong đó, 50 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc đã phong tỏa. Trong ngày cũng có thêm 40 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Đến 18 giờ ngày 8/6, Việt Nam có tổng cộng 7573 ca COVID-19 ghi nhận trong nước và 1585 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6003 ca.

Cụ thể, ca bệnh 9108-9109 được cách ly tại tỉnh An Giang. Ngày 6/6/2021, 2 người này từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 8/6 của họ là dương tính với SARS-CoV-2.

Trong nước ghi nhận 53 ca mắc mới. Các ca bệnh từ 9104-9107, 9110-9116, 9118-9122, 9124, 9130, 9132 và 9136-9137 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.

Ca bệnh 9117 ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh (nam, 57 tuổi), địa chỉ tại phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 8/6 của người này là dương tính với SARS-CoV-2; đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp theo, các ca bệnh 9123, 9125-9129, 9131, 9133-9135 và 9140-9144 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh có liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ.

Ca bệnh 9138 ghi nhận tại Hà Nội (nam, 71 tuổi), địa chỉ ở Thanh Xuân, Hà Nội; là F1 của bệnh nhân 5312, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 8/6 của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2.

Ca bệnh 9139 ghi nhận tại Hà Nội (nữ, 39 tuổi), địa chỉ ở Đông Anh, Hà Nội; là F1 của bệnh nhân 8853. Kết quả xét nghiệm ngày 8/6 của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2.

Các ca bệnh từ 9145-9158 ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm 10 ca liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục hưng, 3 ca là các trường hợp F1 và 1 ca đang điều tra dịch tễ.

Như vậy là trong ngày 8/6, Việt Nam ghi nhận thêm 175 ca mắc mới, gồm 4 ca cách ly tại An Giang (2), Quảng Nam (1), Kiên Giang (1) sau khi nhập cảnh; 171 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (98), Thành phố Hồ Chí Minh (39), Bắc Ninh (25), Lạng Sơn (5), Hà Nội (2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (1), Hà Tĩnh (1); trong đó 165 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Từ ngày 29/4 đến nay đã thực hiện hơn 1,78 triệu mẫu xét nghiệm cho trên 3,76 triệu lượt người.

Trong số các ca bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 218 người đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 92 người âm tính lần 2 và 78 người âm tính lần 3; có 3549 người bệnh COVID-19 đã được điều trị khỏi; 55 ca tử vong.

Ưu tiên điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Điểm khác biệt của đợt dịch lần này so với trước đó là số lượng bệnh nhân rất lớn, tạo ra sức ép lớn đối với hệ thống điều trị. Thứ hai là chủng virus lần này là chủng phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, các diễn biến lâm sàng của chủng này có vẻ nhanh hơn so với các chủng trước. Tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn so với các chủng khác nên các biện pháp kỹ thuật để can thiệp cũng phải nhiều hơn như: Lọc máu, ECMO… Điều đó cũng là một gánh nặng lớn cho hệ thống hồi sức cấp cứu trong điều trị COVID-19.

Do số lượng bệnh nhân đợt này rất lớn nên số lượng bệnh nhân nặng cũng lớn. Đồng thời tỷ lệ bệnh nhân nhiễm chủng virus này có phản ứng viêm mạnh mẽ rất cao, đòi hỏi các biện pháp kỹ thuật như: Lọc máu, ECMO… cũng phải sử dụng nhiều hơn. Riêng đối với địa bàn Bắc Ninh, ngành y tế chú trọng nâng cao năng lực điều trị của các tuyến điều trị ban đầu. Khi các tuyến điều trị ban đầu, các bệnh viện dã chiến điều trị tốt thì tỷ lệ bệnh nhân diễn biến chuyển nặng và nguy kịch sẽ thấp đi, giảm gánh nặng cho Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện tỉnh, giảm số bệnh nhân phải chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đối với các nước có số lượng bệnh nhân COVID-19 quá lớn và dịch lưu hành rộng rãi trong cộng đồng thì sẽ điều trị cho bệnh nhân nhẹ tại nhà; khi bệnh nặng thì vào bệnh viện. Việt Nam vẫn đang kiểm soát được dịch ở ngoài cộng đồng, số lượng bệnh nhân vẫn chưa vượt quá khả năng điều trị nên ưu tiên điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện.

Với các bệnh nhân COVID-19, đa số diễn biến nhẹ ở tuần đầu tiên, đến tuần thứ hai thì một số bệnh nhân sẽ có diễn biến nặng. Nếu như phát hiện đúng và xử lý sớm thì tỷ lệ bệnh nhân trở thành rất nặng và nguy kịch sẽ giảm đi, tỷ lệ tử vong cũng giảm xuống…

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ: Nếu áp dụng chiến lược điều trị bệnh nhân nhẹ tại nhà như ở nước ngoài thì những bệnh nhân này có nguy cơ lây nhiễm rất cao cho người thân trong gia đình. Đặc biệt là với mô hình gia đình 3, 4 thế hệ của người Việt Nam, trong đó có người già, trẻ nhỏ, những người có bệnh nền. Khi điều trị tại nhà cũng sẽ rất khó để phát hiện những sự thay đổi bệnh lý từ sớm để kiểm soát sớm, khi bệnh nặng mới vào bệnh viện điều trị thì hiệu quả điều trị sẽ thấp hơn...

Tiếp nhận nhiều vât dụng y tế, hàng thiết yếu

Ngày 8/6, Bộ Y tế đã tiếp nhận hỗ trợ các vật dụng y tế và hàng thiết yếu từ đại diện Công ty TNHH DKSH Việt Nam; Công ty Humasis Vina hỗ trợ 3.000 test nhanh kháng nguyên COVID-19 do Humasis Hàn Quốc sản xuất tương đương 600 triệu đồng. Công ty Wakamono trao tặng 100.000 khẩu trang diệt virus và Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Bộ Y tế máy móc thiết bị trị giá 1 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay: Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch thứ 4 diễn biến phức tạp. Từ ngày 27/4 đến nay hơn 6.000 ca bệnh xuất hiện trên 39 tỉnh, thành phố. Dịch xuất hiện không chỉ ở trong cộng đồng mà còn trong các nhà máy, cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Bộ Y tế đã có điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn về cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị. Trong đó, ngoài việc sử dụng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR, ngành y tế đã áp dụng thêm test xét nghiệm nhanh kháng nguyên, xét nghiệm gộp mẫu. Biện pháp “5K + vaccine + công nghệ” đang được triệt để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm