Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc COVID-19 tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có một số quốc gia có chung đường biên giới hoặc ở gần Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia, Bộ Y tế nhấn mạnh kiên trì nguyên tắc phòng, chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, truy vết-cách ly, khoanh vùng-dập dịch, điều trị hiệu quả; thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch và nêu cao tinh thần cảnh giác; tiếp tục chiến lược 5K+vaccine.
Đây là nhận định của Bộ Y tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, diễn ra chiều 27/4, tại trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp.
Kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện nay nguy cơ dịch bệnh rất cao, không chỉ từ các nước có biên giới với Việt Nam mà còn từ các chuyên gia vào làm việc, người dân trở về nước... Theo báo cáo của Bộ Y tế, mới đây nhất là trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Yên Bái - nhân viên khách sạn có tiếp xúc với đoàn chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh từ ngày 18/4 (trong đoàn đã có 4 ca dương tính trước đó). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chúng ta phải tiếp tục có các biện pháp ngăn chặn, kiên trì nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả".
Cùng với việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, các lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở tăng cường vận động, tuyên truyền người dân ở các tỉnh biên giới và trên toàn quốc, nếu thấy người từ nước ngoài trở về, lập tức báo cho chính quyền, lực lượng chức năng. Vì sự an toàn của cả nước, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; đồng thời, giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hỗ trợ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác kiểm soát xuất nhập cảnh ở khu vực biên giới.
Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chủ động kiểm soát chặt chẽ, có kế hoạch nhằm phục vụ yêu cầu kiểm soát dịch, đồng thời phát triển kinh tế thông qua cơ chế xét thị thực nhập cảnh (dưới sự thống nhất của tổ công tác 5 bộ: Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải); đảm bảo người nhập cảnh phục vụ mục đích phát triển kinh tế theo đề nghị của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời điểm dịch bệnh, các thành viên Ban Chỉ đạo mong muốn người dân hạn chế di chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của đất nước sở tại. Trong trường hợp cần thiết phải về nước, người dân nên đăng ký nhập cảnh theo đường hợp pháp. Trước thực tế hầu hết người Việt Nam nhập cảnh qua biên giới đường bộ có hoàn cảnh khó khăn, Ban Chỉ đạo thống nhất quan điểm, đề nghị Chính phủ không thu phí xét nghiệm, cách ly những trường hợp này, không để một số người vì lý do phải đóng phí cách ly, xét nghiệm mà vượt biên, nhập cảnh trái phép.
Với những địa bàn ở xa, Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức các chuyến bay đưa người dân về nước, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch ở khu vực, nước sở tại và tình hình dịch trong nước. Đối với số người Việt Nam ở Ấn Độ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại đây tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ, đang thu xếp để đưa một số người dân có nguyện vọng về trong thời gian sắp tới.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề nghị, trên tinh thần đẩy nhanh tốc độ, tiết kiệm chi phí, Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện vật tư, trang thiết bị y tế, phương án xét nghiệm, kết hợp với việc cập nhật các loại công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm mới để phục vụ các tình huống dịch bệnh khác nhau, trong tình hình biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Những địa phương có nguy cơ cao, đặc biệt các tỉnh biên giới Tây Nam, phải tăng cường năng lực xét nghiệm, không để xảy ra tình trạng không xác định kịp thời tình hình dịch bệnh do thiếu năng lực xét nghiệm.
Ban Chỉ đạo thống nhất giao các bộ, ngành liên quan rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung (cả khu vực quân sự và dân sự), bảo đảm cách ly an toàn, không để lây nhiễm chéo; đồng thời có phương án mở rộng các khu cách ly, sẵn sàng cho trường hợp có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ quy trình giám sát, theo dõi y tế sau cách ly tập trung. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hỗ trợ để tất cả các cơ sở cách ly tập trung đều được lắp đặt camera giám sát, kết nối trực tuyến để nhiều cơ quan cùng thực hiện giám sát.
Liên quan đến công tác khoanh vùng, dập dịch, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thống nhất sự điều hành khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, cách ly xã hội (theo thẩm quyền được giao) tại các vùng giáp ranh với tỉnh, thành phố khác. Trường hợp giãn cách, cách ly toàn tỉnh, các địa phương phải trao đổi ý kiến với các tỉnh, thành phố lân cận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khoanh vùng gọn nhất có thể. Những trường hợp chưa đủ căn cứ khoanh vùng gọn, các địa phương phải khẩn trương xác định khu vực có dịch, bảo đảm an toàn, bớt xáo trộn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Theo đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp cùng lãnh đạo các bộ, ngành (là thành viên Ban Chỉ đạo) tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các địa phương, đặc biệt việc thực hiện thông điệp 5K, xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng; cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19...
Cùng với đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế có giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nước; khẩn trương, tích cực đàm phán các nguồn vaccine nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước trên tinh thần "vaccine là phương tiện chống dịch hiệu quả, cố gắng có vaccine sớm nhất có thể và tiêm cho người dân với tỷ lệ cao nhất có thể".
Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế các sự kiện tập trung đông người. Trường hợp cần thiết phải yêu cầu tổ chức, cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt vấn đề đeo khẩu trang.
Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 27/4, thế giới ghi nhận hơn 147 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 3,1 triệu ca tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 32,8 triệu ca mắc, khoảng 586.000 ca tử vong; tiếp đó là Ấn Độ với hơn 17,3 triệu ca mắc, hơn 195.000 ca tử vong; Brazil với hơn 14,3 triệu ca mắc, khoảng 390.000 ca tử vong. Đáng chú ý, trong 4 tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 18 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 12,4% tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch, trong đó có hơn 290.000 ca tử vong, chiếm 9,4%.
Tại Ấn Độ, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao, trong khi hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ. Chỉ tính riêng ngày 25/4, Ấn Độ ghi nhận thêm 349.313 ca mắc mới và thêm 2.761 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận trên 200.000 ca/ngày. Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ mất cảnh giác khi dịch COVID-19 được kiểm soát trong thời gian dài (từ tháng 1-3/2021) và dỡ bớt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cho phép tập trung đông người trở lại. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 1,3 tỷ dân được tiêm. Đến nay, một số quốc gia như Anh, Canada, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả-rập đã tạm ngừng nhập cảnh đối với người đến từ Ấn Độ.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 27/4, cả nước ghi nhận tích lũy 2.854 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.570 ca lây nhiễm trong nước (chiếm 55% tổng số ca mắc). Trong số các ca mắc, 2.516 ca được điều trị khỏi (chiếm 88,2%), còn 291 đang được điều trị (chiếm 10,2% tổng số ca mắc) và 35 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh trong nước đến nay được kiểm soát tốt, cả nước đã có 33 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có một số quốc gia có chung đường biên giới hoặc ở gần Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia. Đáng chú ý, trong 1 tuần qua, có 16.607 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ 3 nước Lào, Trung Quốc, Campuchia (tăng 3.838 trường hợp so với tuần trước đó), trong đó có 483 tường hợp nhập cảnh trái phép (tăng 160 trường hợp so với tuần trước đó, cụ thể: Trung Quốc 301 trường hợp, Lào 16 trường hợp và Campuchia 166 trường hợp).
Trong khi đó, hiện có tình trạng người dân có tâm lý lơ là, chủ quan, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang. Trên cả nước vẫn còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc các trường hợp nếu không quản lý tốt sẽ có thể có ca nhiễm với biến chủng lây lan tốc độ nhanh, dẫn đến nguy cơ ghi nhận ca mắc mới. Đặc biệt, đợt nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 và nghỉ hè là thời điểm người dân đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm lớn.
Bộ Y tế nhấn mạnh kiên trì nguyên tắc phòng chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, truy vết-cách ly, khoanh vùng-dập dịch, điều trị hiệu quả; thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch, nêu cao tinh thần cảnh giác; tiếp tục chiến lược 5K+vaccine.
Về tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ở đợt 1, hiện có 92.446/107.000 liều vaccine được phân bổ, đạt tỷ lệ 86,4% cho các địa phương, lực lượng quân đội và công an. Đến nay, 8/13 tỉnh, thành phố hoàn thành triển khai, còn 5 tỉnh, thành phố đang triển khai và dự kiến sẽ kết thúc tiêm chủng đợt 1 trong tháng 4/2021; 18/21 cơ sở điều trị đã hoàn thành, 3 cơ sở còn lại đang triển khai tiêm chủng. Ở đợt 2, đã có 35/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 2 với tổng số 119.376 liều vaccine đã sử dụng, trong đó có 117.654 mũi 1 và 1.722 mũi 2.
Diệp Trương