Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh họp khẩn với các đơn vị về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đánh giá tình hình thị trường cũng như chủ động các giải pháp đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, để ứng phó với dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai một số nhiệm vụ nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Theo đó, Bộ đã có các văn bản chỉ đạo, điều hành đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các hệ thống phân phối lớn để ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo ông Trần Duy Đông, các doanh nghiệp phân phối đã dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này. Mặc dù lượng khách đến mua hàng từ sáng 7/3 có tăng so với thường ngày, nhưng nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp cũng đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 - 4 lần so với trước. Trong ngày hôm nay, hệ thống các siêu thị đã triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân. Ông Trần Duy Đông cũng đưa ra số liệu cụ thể như: Hệ thống siêu thị BigC đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm thêm 3 - 4 lần; làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng; huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm; cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm đủ nguồn hàng cung ứng cho người dân. Ngoài ra, Công ty BRG Retail đã có phương án đáp ứng nguồn hàng kể cả khi Hà Nội công bố dịch, với việc tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ, riêng mặt hàng gạo đang chuyển 20 tấn từ phía Nam ra Hà Nội. Công ty MM Megamarket cũng khẳng định cung cấp đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường và đã làm việc trực tiếp với các trang trại để bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm. "Người dân nên bình tĩnh, không nên tích trữ quá mức tiêu dùng khi việc cung ứng hàng hóa ở Hà Nội đầy đủ", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh. Chia sẻ về nguồn cung trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Ngay trong đêm 6/3, Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các phương án được triển khai; trong đó có nhiệm vụ đảm bảo hàng hóa và trấn an tâm lý người tiêu dùng. Sáng cùng ngày, nhiều chuỗi siêu thị liên tục bổ sung hàng hóa trên kệ, có nơi đã phải chuyển hàng 3 lần trong buổi sáng và sẵn sàng cung ứng hàng hóa bất cứ lúc nào. Một số siêu thị có kho ở các huyện vùng ven cũng sẵn sàng bổ sung hàng hóa khi cần thiết. Đơn cử như Vinmart đã vận chuyển hàng 3 lần từ kho về các hệ thống trên toàn thành phố. Coopmart Hà Nội cũng chuyển hàng trong đêm tại các kho ở Bắc Ninh phân phối cho các siêu thị trực thuộc. BigC thì tăng lượng hàng tới 300 - 400% tùy theo siêu thị để đủ hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đại diện BigC cho biết, hôm nay đã tăng 4 lần nguồn hàng thực phẩm tươi sống. "Trường hợp lượng mua hàng của người dân tăng gấp 1,5 - 2 lần thì nguồn hàng của các hệ thống phân phối vẫn đáp ứng đủ. Hà Nội cam kết đủ hàng, không ngày nào thiếu để người dân phải dự trữ", bà Lan khuyến cáo. Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, thành phố đã xây dựng kịch bản dự trữ hàng hóa cho 4 cấp độ dịch. Cơ quan này đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa cho cả trường hợp 1.000 người phải cách ly vì dịch bệnh COVID-19. Nếu dịch bệnh COVID-19 lan rộng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ có phương án, biện pháp ứng phó, đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường. Cụ thể, khi dịch bệnh xảy ra ở cấp độ 1 và 2, Sở sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ các kho hàng hoặc giữa các điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tại các điểm bán; đồng thời báo cáo thường xuyên, đột xuất khi có hiện tượng lượng khách hàng tăng đột biến tập trung vào một số mặt hàng. Đối với dịch bệnh xảy ra ở cấp độ 3 và 4 (khi dịch bệnh lây lan trên địa bàn thành phố với trên 20 trường hợp mắc), thông qua việc nắm bắt thông tin và báo cáo của các doanh nghiệp, Sở sẽ xác định vị trí có hiện tượng thiếu hàng, khả năng cung ứng của các đơn vị, nhóm hàng có sức mua tăng cao để có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, đảm bảo mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để cung ứng cho thị trường. Hiện nay, Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại hệ thống chợ truyền thống. Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp chỉ đạo các đội quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến… Trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả hàng khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống không để địa bàn bị trống hàng, thiếu hàng. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc BRG Retail cho biết, doanh nghiệp đã tăng gấp 5 lần nguồn cung so với ngày thường. Siêu thị này cũng hạn chế mỗi khách hàng được mua 2 lít dầu, 5 kg gạo, 2 thùng mì tôm... để tránh hiện tượng mua gom hàng hóa. Đơn vị đã phát hiện một số tư thương mua gom 120 chai nước rửa tay (hơn 6 triệu đồng) và từ chối phục vụ khách hàng này. Đại diện hệ thống siêu thị của BRG và BigC đều cam kết không tăng giá bán các mặt hàng và đảm bảo đủ hàng cho nhu cầu mua sắm của người dân. "Chúng tôi khuyến cáo người dân nên mua đủ số lượng cần dùng, không nên vì tâm lý tích trữ, mua gom hàng hóa", ông Dũng đề nghị. Nhấn mạnh việc không để thiếu hàng và không để tăng giá đột biến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các hệ thống phân phối phải chủ động cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu, bất cứ trường hợp có dịch bệnh hay không có dịch bệnh. Bộ Công Thương sẽ tính toán cả những tình huống bất ngờ như trường hợp phải cách ly kéo dài hay cách ly cả khu phố... và hệ thống phân phối phải lên kịch bản để đảm bảo nguồn cung ứng. "Điều này chúng ta phải tính toán coi như một phương án chỉ đạo, điều hành và các doanh nghiệp, hệ thống phân phối cũng phải vào cuộc". Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định. Bộ trưởng đề nghị Vụ Thị trường trong nước cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ từ phía doanh nghiệp; trong đó có chiều ngược lại từ địa phương, tránh xảy ra tâm lý bất ổn từ phía người tiêu dùng. Mặt khác, Vụ thị trường trong nước chủ động phối hợp với các địa phương cam kết không để hàng hóa bị đẩy lên cao khi có diễn biến bất thường. Đối với chính quyền địa phương, Bộ Công Thương đề nghị tính đến những kịch bản mang tính cực đoan hơn nữa để mang tính dài hạn và không dừng lại ở doanh nghiệp phân phối mà cả các đơn vị nuôi trồng từ gốc, tránh hệ luỵ khi trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu cập nhật kịp thời và phối hợp với cơ quan chức năng thúc đẩy việc đặt hàng qua mạng, qua điện thoại để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Uyên Hương