Dù nhân lực còn hạn chế với 1 bác sĩ, 5 y sĩ y học cổ truyền, Khoa Đông y - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi đang trở thành điểm sáng của ngành Y tế trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền.
Khoa Đông y - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Minh Long là đơn vị y tế miền núi đầu tiên trong tổng số 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Cơ sở được xây dựng khang trang, sạch sẽ và đầu tư nhiều trang, thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Cùng với đội ngũ y, bác sĩ nhiệt tình, chu đáo, Khoa Đông y - Phục hồi chức năng trở thành địa điểm tin cậy để bà con đến khám và điều trị tại khoa. Mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận từ 15 - 25 bệnh nhân đến khám, điều trị bằng đông y, 30 bệnh nhân nội trú.
Bà Nguyễn Thị Bé, xã Long Hiệp, huyện Minh Long bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, miệng bị méo, ăn uống khó khăn. Sau 2 tuần điều trị tại Khoa Đông y - Phục hồi chức năng, bệnh của bà đã thuyên giảm đến 60%. Bà Bé vui mừng chia sẻ: Nhờ sự giúp đỡ tích cực của các y, bác sĩ, bà sẽ sớm được trở về nhà.
Khoa Đông y - Phục hồi chức năng chú trọng, phát triển và ứng dụng có hiệu quả các kỹ thuật, phương pháp như: thủy châm đông tây y kết hợp, điện châm... trong công tác khám và điều trị cho người bệnh. Do đó, số người bệnh đến khám, chữa bệnh tại đây ngày càng tăng, chủ yếu bệnh về xương khớp, di chứng tai biến, bệnh mãn tính, tuổi già...
Ông Đinh Văn Dự, xã Long Mai cho hay, do tuổi cao, ông phải thường xuyên vào Khoa Đông y - Phục hồi chức năng để các bác sĩ thăm khám, cho thuốc, châm cứu. Các y, bác sĩ ở đây rất tận tình, lúc nào cũng niềm nở, chu đáo. “Tôi biết ở Trung tâm Y tế huyện Minh Long có Khoa Đông Y, những người như tôi thuận lợi vào đây khám, chữa bệnh vừa gần nhà mà con cái cũng dễ chăm sóc" - ông Dự cho biết.
Bác sĩ Trần Thị Thu Phương, Khoa Đông y - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Minh Long cho biết, trong thời gian qua, Khoa đã tập trung triển khai các phương pháp như thủy châm châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm thuốc vào huyệt... trong việc điều trị đối với bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến thần kinh, xương khớp, biến chứng của tăng huyết áp...
Trước năm 2016, Phòng Khám điều trị Đông y của Trung tâm Y tế huyện Minh Long chỉ có diện tích 10m2, với 2 giường bệnh, nằm ghép với Khoa Phòng chống nhiễm khuẩn. Để đáp ứng nhu cầu người bệnh, Trung tâm đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng mới Khoa Đông y - Phục hồi chức năng với quy mô 30 giường bệnh cùng nhiều trang thiết bị phục hồi chức năng, tập vật lý trị liệu và châm cứu...
Quyền Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Long Đinh Môn cho biết: Mặc dù máy móc, trang thiết bị của Khoa Đông y chưa hiện đại như các bệnh viện tuyến tỉnh; đội ngũ y, bác sĩ còn ít. Các y, bác sĩ của Khoa Đông y luôn cố gắng sắp xếp thời gian trực để phục vụ người bệnh; đồng thời, tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Nhờ đó, qua khảo sát số bệnh nhân điều trị tại Khoa Đông y - Phục hồi chức năng, phần lớn người bệnh đều cảm thấy hài lòng. Trong thời gian tới, Ban lãnh đạo Trung tâm Y tế dự kiến mở rộng khoa; đào tạo bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vực y học cổ truyền; đồng thời, nâng cấp và mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.
Ông Lê Báy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho rằng, Minh Long là một huyện miền núi nghèo của Quảng Ngãi, người dân nơi đây đa số là người đồng bào H’rê, nhưng việc Trung tâm Y tế huyện Minh Long thành lập Khoa Đông y - Phục hồi chức năng và hoạt động hiệu quả, được người dân tin tưởng, đánh giá cao là sự nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nơi đây.
Khoa Đông Y của Trung tâm Y tế huyện Minh Long đã góp phần giảm bớt áp lực cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, do nhiều năm nay, bệnh viện này luôn trong tình trạng quá tải vì số phòng bệnh ít, chật hẹp. Để giúp Khoa Đông y của Trung tâm Y tế huyện Minh Long ngày càng nâng cao chất lượng, ngành Y tế tỉnh thường xuyên tăng cường công tác đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: đào tạo nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo tại chỗ… nhằm từng bước nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế nơi đây.
Đinh Thị Hương