Di sản kéo co (Bài 1)

Trình diễn "Kéo co ngồi" của đền Trấn Vũ (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Trình diễn "Kéo co ngồi" của đền Trấn Vũ (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Kéo co là một hình thức sinh hoạt cộng đồng đã có từ lâu đời và phổ biến ở các nước nông nghiệp trồng lúa nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Năm 2015, di sản kéo co của cộng đồng các nước gồm Hàn Quốc, Campuchia, Philippines và Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Tám năm sau khi được vinh danh, cộng đồng sở hữu Nghi lễ và trò chơi kéo co vẫn đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về giá trị của Di sản kéo co trong cộng đồng.

Di sản kéo co (Bài 1) ảnh 1Đoàn kéo co Hòa Loan (tỉnh Vĩnh Phúc) trình diễn. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Bài 1: Phương thức quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co thường được tổ vào các dịp lễ Tết, là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền. Các nghệ nhân cho rằng, nghi lễ và trò chơi kéo co như một sợi dây tượng trưng cho sự kết nối của cộng đồng hết sức phong phú, đa dạng.

Kéo co – di sản độc đáo và đa dạng

Sau 8 năm được UNESCO vinh danh, lần đầu tiên, một Liên hoan trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam - Hàn Quốc đã diễn ra tại Di tích Quốc gia Đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) vào ngày 17-18/11/2023, với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân, người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (Hàn Quốc).

Tại liên hoan này, người dân Thủ đô, du khách thập phương đã được chứng kiến màn thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co với sự tham gia của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) và 7 cộng đồng kéo co tại Việt Nam, gồm: kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên, Hà Nội); kéo mỏ ở thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); kéo mỏ ở thôn Ngải Khê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội); kéo co tre ở thôn Hữu Chấp (Bắc Ninh); kéo song ở thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); kéo co ở thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc); kéo co của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

Di sản kéo co (Bài 1) ảnh 2Đoàn kéo mỏ Xuân Lai (Hà Nội) trình diễn. Ảnh: Thảo Quyên - TTXVN phát

Trong tiếng hò reo, cổ vũ của đông đảo du khách trong và ngoài nước, nghi lễ và trò chơi kéo co của các cộng đồng kéo co Việt Nam -Hàn Quốc đã được trình diễn một cách đặc sắc, ấn tượng.

Trong đó, công chúng đặc biệt ấn tượng với nghi lễ và trò kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên). Hình ảnh các chàng trai khỏe mạnh, mình trần, đầu chít khăn điều và ngồi kéo co trong không khí náo nhiệt, cổ vũ nhiệt tình của mọi người đã thu hút đông đảo người xem.

Di sản kéo co (Bài 1) ảnh 3Trình diễn "Kéo co ngồi" của đền Trấn Vũ (Hà Nội). Ảnh: Thảo Quyên - TTXVN phát

Theo anh Lê Đức Hiếu, thành viên đội kéo co ngồi Thạch Bàn, kéo co ngồi là một hoạt động văn hóa nổi bật của địa phương, anh đã tham gia trong đội kéo co từ hơn chục năm nay và sẽ tiếp tục tham gia khi còn đủ sức. “Tôi rất vui vì được tham gia trình diễn kéo co tại liên hoan lần này, đồng thời cũng rất tự hào, hãnh diễn vì liên hoan trình diễn kéo co lần đầu tiên được tổ chức ở quê hương tôi”, anh Lê Đức Hiếu cho biết.

Người xem cũng ấn tượng với màn trình diễn nghi thức kéo co của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Trước khi nghi thức kéo co diễn ra, bà con chuẩn bị xôi, gà, trái cây, bánh kẹo làm lễ cúng thần linh. Khi kéo co, thầy mo đứng ra làm lễ, đồng thời là người hướng dẫn kéo và ra hiệu lệnh kéo cho mọi người. Một trong những điểm đặc biệt ở nghi thức kéo co của cộng đồng người Tày là đội kéo co có một bên nam và một bên nữ.

Chị Hà Thị Tươi, cộng đồng kéo co thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị được đại diện dân tộc Tày ở Lào Cai tham gia trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co tại liên hoan ở Hà Nội, chị rất vui, rất phấn khởi, đồng thời mong muốn sẽ thường xuyên được tham gia giao lưu với các tỉnh bạn để tìm hiểu thêm về di sản kéo co ở các địa phương.

Cộng đồng thôn Ngải Khê, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thu hút sự quan tâm của công chúng với màn trình diễn kéo mỏ độc đáo. Ông Nguyễn Trọng Khánh, thành viên của cộng đồng kéo mỏ thôn Ngải Khê cho biết, khác với trò kéo co dùng dây thừng hoặc dây mây, trò kéo mỏ sử dụng 2 thân cây tre thẳng, người dân dùng lửa hơ hai ngọn tre cho dẻo mềm rồi xoáy vặn quặp vào nhau, dùng lạt mềm buộc chặt cố định lại để làm vật kéo, sau đó chọn những người khỏe mạnh, mặc trang phục truyền thống và tham gia kéo mỏ. Kéo mỏ là di sản văn hóa không thể thiếu trong lễ hội và luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của bà con trong làng.

Công chúng cũng rất thích thú với màn trình diễn của các nghệ nhân thuộc Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc), bởi dây kéo co ở Hàn Quốc chủ yếu được làm từ rơm/rạ và được gia cố bằng các loại nguyên liệu khác, như: tre, vỏ cây, sợi nilon... Đặc biệt, kéo co Hàn Quốc sử dụng nhiều loại hình dây kéo gồm dây đơn, dây đôi và dây hình kéo hình con cua, bạch tuộc (nhiều chân)...

Nghệ nhân kéo co đến từ Hàn Quốc chia sẻ, kéo co là hoạt động mang tính văn hóa qua thể hiện ở lễ hội cộng đồng, là hình thức lễ nghi cầu an, cầu mưa qua đó tổ chức dịp vui chơi cho tập thể. Ở Hàn Quốc, kéo co thể hiện tinh thần đoàn kết sát cánh, cùng nhau thực hiện…

Có thể thấy, dù văn hóa, phong tục tập quán của các vùng, miền, các quốc gia khác nhau, xong nghi lễ và trò chơi kéo co đều có sự tương đồng ở triết lý nhân sinh, đều là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, kết nối giữa con người với thiên nhiên…

Di sản kéo co (Bài 1) ảnh 4Trình diễn "Kéo co ngồi" của đền Trấn Vũ (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Di sản văn hóa đa quốc gia

Ngày 2/12/2015, tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, Cộng hòa Namibia, hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại Việt Nam, có 4 địa phương là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản kéo co được UNESCO ghi danh.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nghi lễ và trò chơi kéo co gắn với nền nông nghiệp cổ xưa của dân tộc ta, bắt nguồn từ nghi lễ cầu mùa của cư dân trồng lúa. Sinh sống dựa vào nghề nông, từ xa xưa nhân dân ta đã tôn thờ những lực lượng tự nhiên, như: thần sông nước, thần mặt trời, mặt trăng, mây, mưa, sấm, chớp... và tiến hành các lễ nghi nông nghiệp cổ truyền, để ước nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm.

Bởi vậy, kéo co hiện diện lâu đời ở nhiều cộng đồng như một trò diễn - nghi thức quan trọng trong các lễ hội làng, tổ chức vào dịp đầu Xuân, nhằm chính thức khép lại một chu trình nông nghiệp và khởi đầu cho một mùa vụ mới. Kéo co được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, từ miền Bắc đến miền Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Tuy nhiên, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - cái nôi của nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng. Kéo co cũng được một số tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam thực hành thường xuyên, như người Tày, Thái, Giáy - vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.

Người Việt gọi kéo co bằng nhiều tên như “kéo song”, “kéo mây”, “kéo co ngồi”, “kéo mỏ”, người Tày gọi là “Nhanh vai”, “pẻng luông”, người Giáy là “So vai”, người Thái là “Nạ bai”... Không chỉ phong phú về tên gọi, vật liệu, cách thức chơi cũng như ý nghĩa biểu tượng của kéo co rất đa dạng. Từ những loài thực vật sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa, người dân đã chọn lựa ra các loài cây thích hợp như cây tre, cây song, cây mây... làm vật liệu kéo và dây kéo co, cũng như sáng tạo nên những cách thức kéo co sinh động.

Có hai cách kéo co chính là kéo co ở tư thế ngồi (người chơi ngồi trong hố đào vào mặt đất, chân tỳ vào điểm tựa phía trước để kéo một sợi dây ở hai hướng ngược nhau) và kéo co ở tư thế đứng. Đồng bào người Tày, người Thái ở khu vực miền núi thường dùng dây mây hoặc sợi dây rừng để kéo, ở vùng đồng bằng Bắc bộ, cộng đồng thường dùng sợi dây song, dây thừng hoặc dùng cây tre làm vật kéo… Quy tắc chọn lựa người tham gia kéo co cũng có nhiều biến thể khác nhau, phản ánh những yếu tố tộc người.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co là di sản văn hóa vô cùng quý giá, tồn tại ở khắp cả nước, không chỉ trong cộng đồng người Kinh, còn trong các dân tộc như Tày, Dáy, mỗi nơi có một sắc thái riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa. Kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao, còn là một nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh, ước vọng tốt đẹp của cộng đồng, với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và mỗi vùng miền.

“Kể từ khi được UNESCO vinh danh, di sản kéo co không chỉ là của riêng một cộng đồng hay riêng Việt Nam, còn là một phần của di sản thế giới. Do đó chúng ta cần gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng trong nước, từ đó kết nối với các nước khác cũng sở hữu di sản này…”, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ, “Chung một sợi dây” là thông điệp tuyệt vời mà tất cả các cộng đồng kéo co đều cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của nó. Sợi dây là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, là sự nối dài của những cánh tay, sự tiếp sức từ cộng đồng này đến cộng đồng khác…, tất cả những điều đó làm nổi bật giá trị văn hóa đại diện của nhân loại của di sản kéo co. (Xem tiếp Bài 2: Gìn giữ, phát huy giá trị di sản trong xã hội đương đại)

Phương Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm