Đến với làng hoa giữa đại ngàn Măng Đen

Đến với làng hoa giữa đại ngàn Măng Đen

Nằm lọt giữa đại ngàn Măng Đen thuộc xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông (Kon Tum) có một ngôi làng tên Vi Rơ Ngheo. Làng Vi Rơ Ngheo hiện có 63 hộ, khoảng 300 nhân khẩu, tất cả đều là người Xê-đăng. Cuộc sống ở ngôi làng hết sức bình yên, nhẹ nhàng và thân thiện…

Đến với làng hoa giữa đại ngàn Măng Đen ảnh 1Toàn cảnh làng Vi Rơ Ngheo nhìn từ trên cao. Ảnh: Cao Nguyên

Khoe sắc với lan rừng

Đến làng Vi Rơ Ngheo, ấn tượng đầu tiên với du khách là cổng nhà. Tất cả 63 hộ dân nơi đây đều dựng cổng nhà bằng các thanh gỗ tận dụng trên rừng. Cổng dựng rất đơn sơ, gồm hai trụ đứng và một thanh ngang. Các thanh gỗ không đều, cong, thẳng khác nhau, dưới bàn tay của người Xê-đăng trở nên rất mềm mại.

Đến với làng hoa giữa đại ngàn Măng Đen ảnh 2Anh A Hiên giới thiệu các loại địa lan, phong lan trồng trong làng. Ảnh: Cao Nguyên

Cách đây 2 năm, người dân trong làng bắt đầu vào rừng sưu tầm các loại lan, chủ yếu địa lan để về trồng, ươm giống. Chậu trồng lan được làm bằng gỗ tận dụng, cao khoảng 40 cm, khoét rỗng ruột, bỏ trấu, phân. Đến nay, tất cả 63 hộ dân trong làng đều có vườn địa lan, phong lan. Theo anh A Hiên, một thanh niên trong làng cho biết: “Mình không biết tên cụ thể. Kiểm tra trên mạng, họ nói địa lan trần mộng, địa lan kiếm hồng”. Địa lan được người dân trồng thành hàng rào bao quanh nhà. Trong vườn, mỗi hộ còn hàng chục chậu địa lan khác đang ươm. Đây là nét đặc trưng khác biệt nhất của Vi Rơ Ngheo so với các buôn, làng khác ở Kon Tum.

Hoa lan thường nở hoa từ cuối năm trước, kéo dài cho đến tháng 4 - 5 năm sau. Vì vậy, những ngày tháng 4, khi vào Vi Rơ Ngheo, hàng rào bằng địa lan nở hoa, đua sắc khắp làng. Không chỉ khoe sắc, các hàng rào bằng địa lan trở thành mảng xanh của từng nhà.

Bên cạnh trồng, gieo ươm địa lan tại nhà, người Vi Rơ Ngheo đang hình thành 5 đồi hoa quanh làng. Địa lan được người dân sưu tầm mang về trồng tự nhiên dưới tán rừng, hoa trồng dọc lối đi lên núi. Khoe sắc ở các cánh rừng nơi đây, ngoài địa lan, còn có thêm nhiều hoa rừng khác như đỗ quyên, hoa mua, hoa sim…, tạo nên sự đa dạng trong sắc hoa.

Đến với làng hoa giữa đại ngàn Măng Đen ảnh 3Nhà Rông làng Vi Rơ Ngheo nằm cạnh ruộng lúa, tạo một khung cảnh thanh bình, thơ mộng giữa đại ngàn. Ảnh: Cao Nguyên

Mở lối cho làng hoa

Những ngày tháng 4, niềm vui của người dân Vi Rơ Ngheo như nhân đôi khi làng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum công nhận làng du lịch cộng đồng. Đây là bước tiến cho người Xê-đăng nơi đây trong nỗ lực biến Vi Rơ Ngheo thành điểm sáng của huyện Kon Plông trong phát triển du lịch. Để trở thành làng du lịch, để Vi Rơ Ngheo khoe sắc cùng Măng Đen trên con đường phát triển, người Xê-đăng nơi đây vẫn phải tiếp tục nỗ lực không ngừng. Những ngày qua, thanh niên, trai tráng trong làng tranh thủ ra suối nhặt từng viên đá về để dựng đế, tạo thêm điểm nhấn cho hàng rào hoa.

Làng chọn 5 căn nhà đủ điều kiện để thử nghiệm đón khách du lịch. Các nhà đều có cảnh quan, tầm nhìn rất đẹp. Nhà thiết kế theo phong cách truyền thống, có cửa sổ mở ra ruộng, nhìn xuống đồng. Là hộ dân được chọn điểm để làm du lịch, anh A Vin cho biết: "Gỗ nhà có sẵn, mình bán 4 con trâu để làm. Ngoài ra, dân làng mỗi người một tay giúp thêm để có căn nhà như hôm nay. Để đón khách, cuối tuần sẽ có con gái của mình dạy ở xã Đăk Nên về hỗ trợ".

Đến với làng hoa giữa đại ngàn Măng Đen ảnh 4Đến làng Vi Rơ Ngheo, ấn tượng đầu tiên với du khách là cổng nhà. Tất cả 63 hộ dân nơi đây đều dựng cổng nhà bằng các thanh gỗ tận dụng trên rừng. Ảnh: Cao Nguyên

Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông cho biết: “Những nét văn hóa đang bị mai một được huyện phục dựng. Huyện hỗ trợ mua cồng chiêng, mời nghệ nhân về dạy và phát triển các hoạt động văn hóa bản địa. Sắp tới, chúng tôi đưa vào quy chế để tất cả cùng được làm du lịch và được hưởng lợi từ du lịch. Dân làng Vi Rơ Ngheo sinh sống, giữ nguyên bản về giá trị văn hóa, con người để phát triển du lịch".

Đến với làng hoa giữa đại ngàn Măng Đen ảnh 5Hoa địa lan được trồng tại hàng rào khắp làng, tạo nên khung cảnh thanh bình, đẹp thơ mộng cho Vi Rơ Ngheo. Ảnh: Cao Nguyên

Với sự giúp đỡ từ chính quyền và nỗ lực của người dân, làng Vi Rơ Ngheo đã hình thành các đội múa xoang, đánh cồng chiêng, từ trẻ em đến người có tuổi đều có thể tham gia. Người dân Vi Rơ Ngheo còn xây dựng từng nhóm hộ trồng rau, nuôi gà, lợn, tổ chức nấu ăn phục vụ du lịch…

Cao Nguyên

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm