Tại Côn Đảo có nhiều nơi có rùa lên đẻ trứng như hòn Cau, hòn Tre lớn, hòn Tài… nhưng nhiều nhất phải kể đến bãi cát lớn của hòn Bảy Cạnh.
Rừng ngập mặn ở Bảy Cạnh.
Hòn Bảy Cạnh được mệnh danh là “Đảo du lịch sinh thái bậc nhất Côn Đảo”. Cách biệt với thế giới sôi động bên ngoài, vừa hoang sơ, vừa có biển xanh và nhiều san hô màu sắc, đây còn là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam.
Rùa mẹ đào ổ.
Bảy Cạnh thuộc khu vực bảo tồn của Vườn quốc gia Côn Đảo nên để đến được đây, du khách phải xin giấy phép tại Vườn quốc gia trên đảo lớn Côn Sơn. Sau khi có giấy phép, bạn có thể thuê tàu chạy ra hòn Bảy Cạnh, hoặc đơn giản hơn thì mua tour xem rùa đẻ của người dân địa phương, họ sẽ lo cho bạn mọi giấy phép cần có.
Trứng rùa.
Hòn Bảy Cạnh còn là khu bảo tồn rừng ngập mặn lớn của Côn Đảo với các loại gà rừng, sóc mun, bướm đủ sắc... và 24 loài thực vật ngập mặn, chủ yếu là đước đôi, vẹt trụ, vẹt dù, dà vôi, su ổi, bàng phi…
Thả rùa con ra biển.
Mùa sinh sản của rùa biển là khoảng tháng 4 - 10 nhưng cao điểm là tháng 7 – 9 hàng năm. Bạn chỉ có thể ghé đảo 4 – 6 giờ hoặc ở lại qua đêm (chỉ được ở lại một đêm trên hòn Bảy Cạnh) để xem rùa đẻ trứng dưới sự hướng dẫn của nhân viên kiểm lâm. Tùy theo con nước, thời gian rùa mẹ lên bờ đẻ trứng dao động từ 10h – 12h đêm.
Khi phát hiện rùa mẹ bắt đầu lên bờ đào hố để đẻ trứng, nhân viên kiểm lâm sẽ hướng dẫn du khách đi theo đường vòng, giữ trật tự, không gây tiếng động để rùa mẹ hoảng sợ bò về biển.
Rùa mẹ sẽ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng hai chân trước của mình đào tổ, sau đó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50 - 60cm, rộng khoảng 20 cm và bắt đầu đẻ trứng. Trong ánh đèn pin sáng nhẹ, du khách sẽ được thấy từng quả trứng rùa tròn và trắng như bóng bàn rơi xuống lỗ. Sau khi lấp xong tổ trứng, rùa biển lại tiếp tục dùng chân trước lấp xung quanh ổ với chiều dài 5 - 6 m để xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của mình.
Một rùa mẹ trung bình đẻ được khoảng 80 trứng, nhưng cũng có trường hợp đẻ hơn 200 trứng tại Côn Đảo. Chờ rùa mẹ rời tổ đẻ, du khách sẽ được xem nhân viên kiểm lâm thực hiện một công đoạn trong việc bảo tồn rùa biển đó là lấy trứng đem về tổ ấp. Trứng được ấp trong vòng 6 giờ. Khi đưa về, một nửa số trứng sẽ được cho vào hồ có nhiều ánh sáng, nửa còn lại cho vào hồ ấp được phủ tấm lưới chống nắng bên trên. Việc này chính là để cân bằng “giới tính” cho rùa con khi nở, bởi rùa biển có thể điều chỉnh được đực - cái nhờ tác động của ánh sáng và nhiệt độ khi ấp. Khoảng 45 – 60 ngày sau khi đưa về tổ ấp, trứng sẽ nở thành rùa con.
Nếu đúng dịp, du khách sẽ được nhìn thấy rùa con nở từ những hố ấp trứng trước đó. Nhân viên kiểm lâm sẽ cho rùa con vào giỏ và đưa xuống bờ cát khi con nước cao và mặt trời chưa lên. Du khách sẽ được chứng kiến hàng trăm rùa con chập chững tự bò xuống biển, đến khi trưởng thành (khoảng 30 năm sau), rùa con sẽ quay lại chính nơi chào đời để đẻ trứng.
Với tỉ lệ sống sót 1/1000, rùa biển được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Theo nhandan.com.vn