Đề xuất điều chỉnh tăng phí tham quan Vịnh Hạ Long từ ngày 1/1/2019

Đề xuất điều chỉnh tăng phí tham quan Vịnh Hạ Long từ ngày 1/1/2019
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý Vịnh Hạ Long, về cơ bản các mức thu dự kiến tăng theo mức quy định tại Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND. Theo đó, tuyến 1, 2, 5 tăng 20% từ 250.000 đồng/lần/người lên 300.000 đồng/lần/người; mức thu tuyến 4 tăng 25% từ 200.000 đồng/lần/người lên 250.000 đồng/lần/người; mức thu tuyến 3 giữ nguyên để thu hút khách du lịch tham quan nhằm giãn khách du lịch tham quan tập trung vùng trọng tâm Di sản.
 
Vịnh Hạ Long đẹp như một bức tranh. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
Vịnh Hạ Long đẹp như một bức tranh. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Đối với các tuyến tại khu vực lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh, mức phí dự kiến điều chỉnh tăng bình quân từ 73% đến 85% so với mức thu tại Nghị quyết 62/2017/NQ-HĐND cụ thể: tham quan tại khu vực lưu trú nghỉ đêm tuyến 2 (gồm cả lưu trú nghỉ 1 đêm và 2 đêm): tăng 73% (từ 550.000 đồng/lần/người lên 950.000 đồng/lần/người (1 đêm) và từ 750.000 đồng/lần/người lên 1.300.000 đồng/lần/người (2 đêm); Tham quan tại khu vực lưu trú nghỉ 1 đêm và tham quan tuyến 3 hoặc tham quan tuyến 4: tăng 80% (từ 500.000 đồng/lần/người lên 900.000 đồng/lần/người); Tham quan tại khu vực lưu trú nghỉ 2 đêm và tham quan tuyến 3 hoặc tham quan tuyến 4: tăng 85% (từ 650.000 đồng/lần/người lên 1.200.000 đồng/lần/người).

Theo ông Phạm Đình Huỳnh, việc tăng phí theo lộ trình dựa trên căn cứ thực tế mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long so với một số di sản thế giới tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan này tác động không nhiều đến đối tượng khách du lịch tham quan Vịnh vào ban ngày do mức điều chỉnh chỉ tăng từ 20 đến 25%. Vì theo thống kê, số khách lưu trú nghỉ đêm chỉ chiếm 22,5% (năm 2017) và 19% (6 tháng đầu năm 2018) so với tổng số khách đến Vịnh Hạ Long. Khách lưu trú chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, có thu nhập cao.

Trước đó, theo Nghị quyết 88/2017/NQ-HĐND ngày 23/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, số phí tham quan vịnh Hạ Long thu về được trích để lại cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long là 11% để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao theo quy định, số còn lại 89% được trích để lại cho UBND thành phố Hạ Long để thực hiện các mục tiêu về phát triển Vịnh Hạ Long (bao gồm cả tu bổ, tôn tạo các điểm tham quan, vốn đối ứng các dự án ODA liên quan đến bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long do tỉnh giao).

Với nguồn kinh phí trích từ 89% phí tham quan Vịnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, sẽ dùng vào việc tăng cường đầu tư cho công tác quản lý, bảo tồn Di sản, phát triển thêm nhiều sản phẩm phụ trợ, thêm nhiều điểm tham quan, cải thiện môi trường Vịnh Hạ Long, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi và đảm bảo an toàn hơn cho du khách.

Trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long mời chuyên gia quốc tế đến khảo sát, tư vấn cho Vịnh Hạ Long về phát triển du lịch bền vững và cải thiện môi trường, tập trung triển khai phương án giãn tuyến trên Vịnh Hạ Long (đã được UBND tỉnh phê duyệt), đề xuất đầu tư bổ sung một số bãi tắm trên Vịnh Hạ Long; sửa chữa nâng cấp một loạt tại các điểm tham quan chính...
Trung Nguyên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm