“Đệ nhất” mài dao Hai Hùng

“Đệ nhất” mài dao Hai Hùng
Anh Hùng đang mài dao cho khách.
Anh Hùng đang mài dao cho khách.

Chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh đã bao lần dời đổi, thì cũng bấy nhiêu lần anh Hùng dời chỗ làm ăn theo chợ. Đưa đôi bàn tay rộp da, nhăn nheo tái bệt vì thấm nước lâu ngày, anh nói với tôi: “Đã hơn 20 năm làm nghề mài dao, kéo dạo, ngày nào cũng phải ngâm tay trong nước 5-6 tiếng đồng hồ, sắt còn mòn nói chi là da thịt”. Bù lại, mức thu nhập hàng ngày của anh cũng không dưới 200.000 đồng, nhờ vậy mà anh nuôi sống được gia đình, trong đó có 5 người con đang còn tuổi ăn tuổi học. Giờ thì các con anh đã trưởng thành, người đã tốt nghiệp đại học ra trường tìm được việc làm ổn định, người yên bề gia thất. Cuộc sống gia đình anh giờ tuy không còn nặng gánh lo toan ngày hai buổi chạy gạo từng lon như 20 năm về trước và tuổi anh giờ cũng không còn cường tráng như thời trai trẻ thuở nào, nhưng ngày nào không ra chợ mài dao, mài kéo cảm thấy nhớ chợ, nhớ nghề.

Quệt giọt mồ hôi thấm đẫm trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió thời gian, anh nói với tôi, mài dao thấy đơn giản, nhưng không phải con dao nào cũng dễ mài mau bén. Nếu là con dao dày mép, thì phải qua nước mài bằng đá nhám, chạy mô-tưa điện cho 2 mép mỏng đi, rồi mới mài lại bằng tay với đá nhuyễn (đá bùn) có như vậy lưỡi dao mới bén. Nhớ lại hồi mới vào nghề chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật, phải mất gần nửa giờ anh mới mài xong một con dao, có khi còn bị dao cứa, đá ăn tay chảy máu, giờ thạo nghề, chỉ mất chừng 3-4 phút thì con dao anh mài đã bén. Thật ra điều đó đối với anh cũng không gì là khó hiểu, bởi đã hơn 20 năm trong nghề, mỗi ngày anh mài được hàng trăm con dao, kinh nghiệm cho anh biết độ sắt thép, non già, dày mỏng của con dao thì hỏi sao anh không thành thạo.

Không ít bà con tiểu thương ở chợ phường III, thành phố Vị Thanh, nói với tôi nghề mài dao, kéo là nghề thủ công không nặng nhọc có từ xa xưa, nhưng ngày nay, nghề này vẫn tồn tại nuôi sống được nhiều gia đình mà ít người biết đến. Ở thành phố Vị Thanh này, duy nhất chỉ có anh Hùng là người hiếm hoi đeo bám lấy nghề lâu đến như vậy. Hồi mới vào nghề, “khách ruột” của anh là các bà nội trợ hàng xóm, kế tiếp là mấy chị mua bán thịt, cá ở chợ… Lâu dần thương hiệu “đệ nhất” mài dao bén có tiếng của anh Hai Hùng ở chợ Vị Thanh ai cũng biết. Đó cũng là lúc anh bắt đầu ăn nên làm ra, rồi say mê với nghề, có ngày anh phải ngồi mài cả 100 con dao lớn nhỏ mà không thấy mệt để lo cái ăn cho 7 nhân khẩu trong gia đình và tiền học hành sách vở của 5 đứa con đang trông cậy vào anh.

Cực là vậy, nhưng anh thấy thích cái tự do, tự tại của nghề. Chỉ cần mài xong con dao, cái kéo chủ nhà thấy sắc bén, trả tiền khen mình một câu là trong bụng thấy vui liền. Cũng chính vì thế, cho dù vất vả anh cũng không bỏ nghề, bởi theo anh, nghề mài dao, kéo đối với anh chỉ xuất công không xuất vốn. Tuy mức thù lao tiền công sau khi mài xong con dao chỉ năm ba ngàn đồng, nhưng bù lại có việc làm thường xuyên nên thu nhập cũng khá hơn so với người đi làm thuê theo ngành nghề thời vụ.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm