Đau xót trên những cánh đồng

Đau xót trên những cánh đồng
Bất lực nhìn lúa chết  Anh Nguyễn Tấn Đính, ngụ tại ấp 3 xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) với khuôn mặt đen sạm, ngồi trên bờ đê, bàn tay nắm chặt nhúm lúa đã chuyển màu vàng cháy từ phần rễ lên đến ngọn vì chết khô. Đôi mắt anh buồn rười rượi nhìn về thửa ruộng diện tích 6.000 m2 của mình đang nứt nẻ. Trên mặt ruộng, những cây lúa còn lại mà theo lời anh đó là giống lúa Nàng Hoa 9 đang chuyển màu, khô quắt từng ngày vì nhiễm mặn. “Lúa được 60 ngày và đang phát triển tốt thì nước mặn vô có mấy ngày là lúa héo rũ. Vụ sau không biết có thể sạ lại được hay không vì đất đã nhiễm mặn. Còn ngay lúc này số tiền vật tư, phân diêm đầu tư cho vụ này sắp đến hạn phải trả, tôi chưa biết phải xoay xở làm sao”, anh Đính thở dài buồn bã.
Đau xót trên những cánh đồng ảnh 1
Anh Nguyễn Tấn Đính ngồi trên mặt ruộng nứt nẻ vì hạn, mặn. Ảnh: Anh Đức
Theo lời anh, số tiền đang nợ đại lý giống, phân diêm khoảng 10 triệu đồng đang “đè nặng” lên đôi vai người nông dân cơ cực như anh. Anh cho biết thêm, do phải chăm con nhỏ nên vợ anh không thể cùng lo sinh kế của gia đình. Mấy ngày vừa qua, anh chạy khắp nơi trong huyện Gò Công Đông để kiếm việc làm thêm chỉ để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày mà vẫn chưa có ai thuê mướn. Tiết trời dù chưa vào hè nhưng đã phả ánh nắng gay gắt, bao trùm lên thửa ruộng khô khốc càng khiến mặt ruộng nứt nẻ đan như màng nhện. Anh Đính bước xuống ruộng, nhặt một cục đất bằng bàn tay chai sần của anh và bóp mạnh, cục đất tơi ra thành từng hạt nhỏ như cát rơi qua kẽ tay anh và tan trong gió. Anh Đính dẫn chúng tôi đến những thửa ruộng của những hộ trồng lúa khác ở ấp 2, ấp 3 để gặp thêm những người nông dân có cùng hoàn cảnh. Tất cả họ đều mang trong lòng nỗi thất vọng vì toàn bộ tài sản lớn nhất của mình đã mất trắng do hạn, mặn. Cách những thửa ruộng của các hộ nông dân này không xa, chúng tôi chứng kiến con kênh dẫn nước nội đồng đã sắp cạn kiệt nước. Chiếc máy bơm nằm chỏng chơ trên lòng kênh và đường ống dẫn nước vẫn được vắt lên trên thửa ruộng lúa vàng cháy. Anh Đính bước xuống lòng kênh, dùng tay hớt ngụm nước đưa vào miệng, “Nước mặn chát! Lúa nào mà chịu nổi. Tụi tôi chỉ biết đứng nhìn lúa của mình chết dần vì nhiễm mặn và thiếu nước tưới mà thôi”, anh Đính cay đắng nói. Ráng sức cầm cự Theo thông tin từ UBND huyện Gò Công Đông, diện tích vụ đông xuân xuống giống là hơn 11.000 ha. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn đã làm thiệt hại gần 863 ha với tỷ lệ từ 70% trở lên tại 10/13 xã, thị trấn. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là ở các xã Tân Phước, Tân Thành, Phước Trung… Nguyên nhân là do độ mặn tích lũy ngày càng cao, vượt ngưỡng an toàn cho cây lúa phát triển. Riêng xã Tân Phước mà chúng tôi tìm hiểu, tính đến thời điểm hiện nay đã có đến hơn 295 ha lúa của 527 hộ bị thiệt hại. 
Đau xót trên những cánh đồng ảnh 2
Con kênh dẫn nước nội đồng đã gần cạn kiệt nước. Ảnh: Anh Đức
“Để cứu diện tích lúa còn lại, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức bơm chuyền 2 cấp tại 149 điểm bơm với 325 máy bơm để chống hạn cho khoảng hơn 5.600 ha lúa đông xuân bị thiếu nước với tổng số hơn 74.000 giờ bơm rồi. Đồng thời, chúng tôi cho đắp 23 đập ngăn mặn tại các xã và xổ nguồn nước bị nhiễm phèn mặn. Tuy nhiên, hiện nay mặn trên sông Tiền diễn biến phức tạp, lấn sâu và gay gắt. Tại cống Vàm Giồng, độ mặn luôn duy trì ở mức cao, cao nhất là 4,8 g/l. Tại cống Hòa Định, độ mặn 2,4 g/l. Chỉ còn tại cống Xuân Hòa thì các ngày qua duy trì ở mức 1,75 g/l và hiện chỉ còn lấy được hai cửa không ổn định, chúng tôi phải chuyển sang chế độ lấy gạn vào con nước đêm”, ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết. Điều mà ông Lê Hoàng Việt lo lắng nhất là dự báo của công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang, thời gian tới cống Xuân Hòa sẽ không còn khả năng lấy nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và dự kiến sẽ buộc phải đóng cống ngăn mặn vào đầu tháng 3 này. “Chúng tôi yêu cầu các địa phương phải khẩn trương rà soát, xác định bổ sung thêm điểm bơm chuyền tại các khu vực sản xuất lúa mà mực nước còn thấp để chủ động ứng phó tình hình ngày càng căng thẳng. Đồng thời vận động nhân dân bơm trữ nước trên đồng ruộng để phục vụ sản xuất và trữ nước vào ao để phục vụ nhu cầu sinh hoạt”, ông Việt lo lắng nói. Có mặt tại UBND xã Tân Phước, điện thoại của Chủ tịch xã Nguyễn Văn Đàng reo liên tục. Qua điện thoại, ông Đàng trao đổi với cấp dưới của mình về việc lắp đặt máy bơm và tổ chức chạy máy bơm ở nhiều nơi để “cứu” lúa. Buông chiếc điện thoại xuống bàn, vị Chủ tịch xã ngao ngán nói: “Tình hình căng quá. Như mọi năm thì thời điểm này mới bước vào đầu mùa hạn, mặn thôi. Hiện tại chúng tôi đã bố trí 35 máy bơm để lấy nước từ kênh trục chính để cho bà con có nước sản xuất. Xã phải huy động toàn bộ máy, kể cả hai máy mới do nguồn kinh phí của huyện rót xuống và còn phải đi thuê thêm máy ở ngoài. Nhưng thực tế phải cần khoảng 50 máy bơm mới đủ cho 11 tuyến kênh nội đồng. Bằng mọi cách phải bảo vệ an toàn cho diện tích 782 ha lúa còn lại của xã. 294 ha mà người dân phải buông tay để lúa chết là quá xót xa rồi”.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm