Ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công trong năm 2023 đã gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới vấn đề đất đai, quy hoạch; trong đó, vướng mắc lớn nhất là quy hoạch bô xít.
Việc thi công công trình quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa và nhiều công trình lớn của tỉnh Đắk Nông hầu như bị đình trệ từ tháng 3/2023 do liên quan tới nội dung này. Kế đó là vướng mắc liên quan tới mỏ đất phục vụ việc đào đắp tại các công trình. Bởi với đặc thù địa hình dạng “đồi bát úp”, việc thi công, xây dựng các công trình lớn, nhỏ của tỉnh Đắk Nông đều đòi hỏi phải thực hiện việc đào đắp, san ủi mặt bằng nhưng đến nay tỉnh chưa có mỏ đất san lấp nào được cấp phép chính thức.
Thêm nữa, công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án trọng điểm nói chung, các dự án đầu tư công nói riêng vẫn chưa đạt được hiệu quả, tiến độ như kỳ vọng. Nhiều dự án lớn vẫn không có mặt bằng để thi công, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đã được trung ương phê duyệt.
Cũng trong năm 2023, Đắk Nông ghi nhận sạt lở, sụt lún tại rất nhiều địa phương, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tình trạng sạt lở được ghi nhận tại nhiều công trình đang thi công xây dựng và cả công trình đã sử dụng ổn định nhiều năm. Điển hình như sạt lở trên đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2), hồ chứa nước Đắk N’ting (đang đợi bàn giao, đưa vào sử dụng); đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa; tuyến tránh thành phố Gia Nghĩa, đoạn qua phường Nghĩa Tân; trên Tỉnh lộ 681, đoạn qua xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức (đều đã sử dụng ổn định nhiều năm)…
Cũng theo ông Hồ Văn Mười, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan đã rất tích cực, nỗ lực trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên. Hiện vướng mắc liên quan tới quy hoạch mỏ bô xít Đắk Nông đã được trung ương thống nhất phương hướng giải quyết và dự kiến trong quý I/2024 sẽ xử lý xong. Đối với vấn đề mỏ đất phục vụ đào đắp, san lấp, tỉnh đã có quy hoạch và các đơn vị chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phải tập trung giải quyết các thủ tục liên quan để hoàn thành, đưa vào khai thác càng sớm càng tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố quyết liệt, quyết tâm hơn nữa trong giải phóng mặt bằng; đồng thời giao các ngành chức năng, các đơn vị chủ đầu tư tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng, nhất là liên quan tới sụt lún, sạt trượt.
Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, phương hướng năm 2024 của UBND tỉnh Đắk Nông, nhiều chỉ tiêu chính không đạt. Điển hình như tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,64% (kế hoạch đề ra là 7,5%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 hơn 18.600 tỷ đồng, chỉ đạt 88% kế hoạch; tổng thu ngân sách chỉ đạt 2.850 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch…
Tuy nhiên, Đắk Nông cũng có nhiều điểm sáng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, điển hình như tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%; trong đó hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5%; các tiêu chí về y tế, giáo dục, lao động – việc làm, văn hóa, môi trường đều đạt kế hoạch đề ra.
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Nông, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh gần 4.000 tỷ đồng; trong đó, vốn giao năm 2023 gần 3.600 tỷ đồng; vốn kéo dài từ năm 2022 sang 2023 gần 400 tỷ đồng. Tính đến này 31/10, Đắk Nông đã giải ngân được gần 40% vốn giao năm 2023 và hơn 60% vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023.
Hưng Thịnh