Tủa Chùa là huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 130 km. Đây là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống với đa dạng bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc cũng như những Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú tạo nên dấu ấn riêng biệt. Tủa Chùa cũng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nhất của tỉnh Điện Biên. Bởi vậy, trong định hướng phát triển, Tủa Chùa đang thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tủa Chùa là một trong hai huyện của tỉnh Điện Biên có vùng ngập nước lòng hồ thủy điện Sơn La (cùng với thị xã Mường Lay). Kể từ khi công trình thủy điện Sơn La được hoàn thành, vùng trũng của các xã Huổi Só, Tủa Thàng và Sín Chải (huyện Tủa Chùa) chìm trong làn nước sông Đà. Những hòn đảo nhỏ nhấp nhô giữa lòng hồ nước xanh biếc tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình vô cùng quyến rũ ở Tủa Chùa. Đặc biệt ở khu vực cầu Pa Phông (xã Huổi Só), lưu vực sông uốn lượn có một phần lấn sâu vào nội địa tạo nên “vịnh” nhỏ với những vách núi đá dựng đứng như những hòn đảo trong vịnh.
Lợi thế lòng hồ thủy điện giúp cho Tủa Chùa nằm trong vùng có thể liên kết phát triển du lịch của ba tỉnh Điện Biên - Sơn La - Lai Châu. Nắm bắt lợi thế này, một số người dân đã đầu tư tàu, thuyền để chở khách và phát triển dịch vụ du lịch tham quan, trải nghiệm lòng hồ thủy điện.
Anh Vừ A So (xã Huổi Só) cho biết, nhận thấy có nhiều khách du lịch muốn tham quan lòng hồ thủy điện, nhưng trên địa bàn chưa có tàu, thuyền chuyên dụng chở khách tham quan, nhiều người dân đã sử dụng thuyền bé chở hàng để chở khách, gây mất an toàn. Bởi vậy, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để đóng một con thuyền lớn chở khách tham quan khu vực lòng hồ thủy điện và chở hàng hóa. Không chỉ chở khách tham quan lòng hồ khu vực huyện Tủa Chùa, anh còn chở khách sang các địa phương ở tỉnh Sơn La để tham quan.
Cùng với vẻ đẹp của lòng hồ thủy điện, khí hậu ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Tủa Chùa mát mẻ quanh năm. Địa phương này còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp với hệ thống hang động được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia như: hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang động Pê Răng Ky (xã Huổi Só); rừng chè Shan Tuyết cổ thụ với gần 4.000 cây chè cổ thủ hàng trăm năm tuổi (xã Sín Chải); hệ thống cao nguyên đá trải rộng trên địa bàn các xã Tả Phìn, Sín Chải, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng; di tích cấp tỉnh kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng (xã Tả Phìn). Bên cạnh đó, Tủa Chùa là địa phương có 7 dân tộc cùng sinh sống (người Mông chiếm đa số). Các dân tộc vẫn giữ được truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc với các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc, đặc biệt là người Mông, người Dao. Các chợ phiên truyền thống đặc trưng của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Xá Nhè, Tả Sìn Thàng; hội Xuân đầu năm ở các xã Xá Nhè, Sính Phình, Tả Phìn, Tủa Thàng mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng cao; ẩm thực đặc trưng với gà xương đen, rượu Mông Pê;… là những lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng hết sức phong phú để phát triển du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Tủa Chùa, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, chưa có kế hoạch tổng thể và chỉ tiết để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch còn yếu và hiệu quả thấp. Hệ thống các nhà hàng, cơ sở lưu trú tuy đã và đang được đầu tư nhưng còn đơn điệu và thiếu tính đồng bộ, chất lượng dịch vụ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nhiều loại hình du lịch chưa hấp dẫn du khách, một số dịch vụ phục vụ du lịch như vui chơi, giải trí, mua sắm, hàng lưu niệm. Dịch vụ ăn uống còn thiếu, chất lượng thấp và thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên du lịch, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường còn hạn chế; chưa thu hút được các dự án lớn để đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nghị quyết của Đảng bộ huyện Tủa Chùa đặt ra mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc. Tủa Chùa phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của Điện Biên và Tây Bắc; phấn đấu đến năm 2030 trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh.
Ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết, huyện đang chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương như các danh lam thắng cảnh với hang động, cao nguyên đá, ruộng bậc thang, lòng hồ thủy điện... để phát triển du lịch. Bên cạnh đó là không gian văn hóa chợ phiên, các lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Phát huy các tiềm năng, lợi thế đó, Tủa Chùa sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng,…Địa phương chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch để thu hút du khách đến với địa phương.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện Tủa Chùa đang tăng cường quảng bá du lịch của địa phương. Huyện chú trọng tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh, những nơi có điều kiện tương đồng, đang phát triển mạnh về du lịch của khu vực Tây Bắc, Đông Bắc như: Sa Pa, Mộc Châu, Mai Châu, Đồng Văn để quảng bá, xúc tiến du lịch.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Tủa Chùa được ví như cô sơn nữ đẹp nhưng vẫn còn e ấp, ẩn hiện giữa mây ngàn Tây Bắc. Bởi vậy, nếu có thể đánh thức vẻ đẹp ấy, du lịch Tủa Chùa có thể sẽ là một điểm đến đầy thú vị và không thể thiếu đối với những ai khi đến với mảnh đất Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Xuân Tư