Dân kém mặn mà với bảo hiểm y tế tự nguyện

Dân kém mặn mà với bảo hiểm y tế tự nguyện
Lo ngại về chất lượng
Bên cạnh nhóm đối tượng BHYT bắt buộc, một trong những mục tiêu quan trọng của ngành bảo hiểm y tế là gia tăng số lượng người tham gia BHYT tự nguyện, nhằm đạt mục tiêu đạt số lượng người tham gia BHYT lên 75% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không dễ dàng.
Dân kém mặn mà với bảo hiểm y tế tự nguyện ảnh 1
Tuyên truyền cho người dân về BHYT tự nguyện tại xã Đại Xuân (huyện Quế Võ, Bắc Ninh).
Bà Nguyễn Thị Khang (53 tuổi) tại xã Đại Xuân (Quế Võ, Bắc Ninh) mua BHYT 10 năm nay, nhưng mới chỉ dùng thẻ khám 1 lần để khám đau thấp khớp cách đây 2 năm. “Lần đó đi khám mất cả buổi sáng, chờ đợi rất lâu. Do đó, khi bị bệnh tật, tôi lại đi khám dịch vụ ở ngoài cho nhanh. Hiện nay tôi vẫn mua BHYT chỉ để phòng khi có bệnh nan y. Tuy nhiên, thẻ BHYT hiện nay quy định chỉ được khám ở tuyến cơ sở, khiến nhiều người không mặn mà”, bà Khang cho biết.
Chị Nguyễn Thị Quyên, quê Xuân Trường, Nam Định, đang sống ở Hà Nội cũng cùng chung suy nghĩ này: “Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tuyến cơ sở rất kém. Cách đây hơn 1 năm tôi có bị chó cắn và được đưa lên trạm y tế phường. Tuy nhiên, bác sĩ khám rất qua quýt và không có biện pháp sơ cứu mà yêu cầu lên bệnh viện tuyến trên để tiêm phòng. Chất lượng dịch vụ như vậy khó làm chúng tôi yên tâm”.
Cần có sự hỗ trợ
Theo thống kê của BHXH tỉnh Bắc Ninh, số người tham gia BHYT tự nguyện toàn tỉnh chỉ đạt hơn 64.000 người, chiếm tỷ lệ gần 19% tổng số người trong diện tham gia BHYT tự nguyện, chủ yếu tập trung vào những người mắc các bệnh mãn tính, bệnh có chi phí điều trị cao.
“Việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tuy đúng nguyên tắc, nhưng chưa đáp ứng điều kiện, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, chất lượng khám chữa bệnh là vấn đề nhiều người quan tâm, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện, đặc biệt là ở tuyến ban đầu. Đây là những điểm ngành y tế và BHXH sớm có giải pháp khắc phục”.
Bà Nguyễn Thị Thùy, trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội
Còn theo BHXH quận Hoàn Kiếm, hiện trên địa bàn có 15.000 tham gia BHYT tự nguyện, chiếm khoảng 8% tổng số người trong diện BHYT. “Dù đã tập trung tuyên truyền nhưng vẫn khó thu hút người dân, bởi quy định tham gia BHYT tự nguyện chỉ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến phường, trong khi chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu, việc chuyển tuyến khám chữa bệnh chưa thuận lợi… Do đó, các trạm y tế cơ sở cần tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu”, lãnh đạo BHXH quận Hoàn Kiếm cho biết.
Thống kê của BHXH thành phố Hà Nội, số người tham gia BHYT tự nguyện của thành phố cũng rất thấp, chỉ đạt hơn 23%. Đây là nhóm đối tượng rất khó khăn khi triển khai. Bên cạnh mở rộng tuyên truyền, BHXH cũng đã đa dạng hóa các hình thức đại lý thu (là UBND xã, hội đoàn thể, bưu điện) để người dân dễ tiếp cận, nhất là nhóm di cư.
Theo BHXH Việt Nam, nhóm BHYT tự nguyện, theo hộ gia đình hiện chiếm gần 32% tổng số người tham gia BHYT, tương ứng khoảng 7,9 triệu người. Tuy nhiên, những người tham gia BHYT tự nguyện hầu hết có thu nhập không ổn định. Do đó, nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp sẽ khó thu hút người dân tham gia. “Trước mắt, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm ban hành quy trình thẩm định, phê duyệt danh sách hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình để có cơ sở thực hiện cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng BHYT nhằm khuyến khích các hộ gia đình này tham gia BHYT. Đồng thời, BHXH và ngành y tế tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục lợi để thuận lợi cho người tham gia BHYT”, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm