Trước đây, việc sản xuất của đồng bào dân tộc và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đắk Tô (Kon Tum) thiếu tính tổ chức. Nông sản làm ra “thuận mua vừa bán” nên hiệu quả kinh tế thấp. Vài năm gần đây, nhằm nâng cao giá trị nông sản, Đắk Tô phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần từng bước thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc...
Tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là mô hình liên kết đang phát triển mạnh ở Đắk Tô. Tính đến nay, huyện đã triển khai được 8 chuỗi liên kết, điển hình như: Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả chanh dây với Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Thái Nông; Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sắn giống KM 95-5 với Nhà máy cồn và tinh bột sắn Đắk Tô; Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối xuất khẩu với Công ty cổ phần KOTINOCHI; Liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê vối theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận trên địa bàn các xã Diên Bình, Tân Cảnh…
Đồng bào dân tộc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Đắk Tô. Ảnh: Văn Phương
Với 9 thành viên, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ và thương mại Rạng Đông (thị trấn Đắk Tô) đang liên kết với 2 tổ hợp tác phát triển được 60 ha cây cà phê ở các xã Diên Bình và Tân Cảnh. Tham gia mô hình này, đồng bào được bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập và yên tâm sản xuất. Theo ông Tưởng Văn Khanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Tô, trong 8 chuỗi liên kết thì chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê của HTX nông nghiệp dịch vụ và thương mại Rạng Đông đã có sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm chuỗi liên kết giá trị của huyện Đắk Tô được giới thiệu, quảng bá trong các hội chợ thương mại ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: Văn Phương
Không chỉ giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất..., các mô hình liên kết còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào, ổn định đầu ra cho nông sản. Nhằm duy trì và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất, huyện Đắk Tô sẽ tích cực phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, đồng thời chú trọng hỗ trợ, khuyến khích đồng bào, doanh nghiệp tham gia mô hình, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Văn Phương