Đắk Nông: Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nơi vùng cao biên giới

Đắk Nông: Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nơi vùng cao biên giới

Nhờ ưu tiên nguồn lực của chính quyền các cấp, hệ thống hạ tầng giao thông tại huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được đầu tư tương đối hoàn thiện. Đây là một nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại một trong những vùng phên dậu của tổ quốc.

"Nút thắt" giao thông

Huyện Tuy Đức được thành lập năm 2006. Đây là huyện có diện tích tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Đây cũng là huyện có đường biên giới dài hơn 40km, tiếp giáp với huyện Ou Reang, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.

Đắk Nông: Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nơi vùng cao biên giới ảnh 1Việc đầu tư cho hệ thống giao thông tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện biên giới Tuy Đức. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Ông K Hanh, chủ một hộ gia đình sinh sống lâu đời tại xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức cho biết, sau hơn 10 năm thành lập, khoảng các năm từ 2016 – 2018, Tuy Đức vẫn là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỉnh lộ 1 là con đường chính đi vào trung tâm huyện và kết nối với huyện Đắk R’Lấp bị xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn rất khó di chuyển vào mùa mưa.

Tương tự, các tuyến đường kết nối với các huyện Đắk Song, cửa khẩu Bu Prăng (một trong hai cửa khẩu của tỉnh Đắk Nông, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) và các tuyến đường giao thông nông thôn đều xuống cấp. Nhìn chung, hệ thống giao thông "đối ngoại", "đối nội" của Tuy Đức đều rất hạn chế, cơ bản trở thành một "nút thắt" trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

"Người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp, hư hỏng nặng. Các loại nông sản được sản xuất với số lượng lớn cũng rất khó bán do điều kiện đi lại hạn chế, thương lái ép giá. Các loại hàng hóa, vật tư nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa của huyện cũng cao hơn so với các địa phương khác. Thêm nữa, giá cả nhiều loại nông sản chủ lực như cà phê, tiêu… vào thời điểm 2017 – 2018 cũng xuống thấp nên điều kiện kinh tế, đời sống người dân rất khó khăn", ông K Hanh chia sẻ thêm.

Theo UBND huyện Tuy Đức, mặc dù trung tâm hành chính của huyện chỉ nằm cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 55 km nhưng với đặc thù diện tích rộng, địa hình đồi dốc, hệ thống giao thông tại huyện nhìn chung thuộc diện khó khăn nhất so với cả tỉnh. Điển hình như trung tâm hành chính xã Đắk Ngo nằm cách trung tâm huyện Tuy Đức chỉ khoảng 30km nhưng nhiều năm nay, con đường thuận lợi nhất để di chuyển là đi đường vòng qua huyện Đắk R’Lấp và khoảng cách này lên tới 70 – 80km.

Là địa phương mới thành lập và có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhiều năm liền, Tuy Đức trở thành điểm đến của người dân di cư không theo quy hoạch đến từ các tỉnh biên giới phía Bắc. Giao thông bị chia cắt, điều kiện đi lại khó khăn khiến việc quản lý dân di cư không theo quy hoạch càng thêm khó.

Thêm vào đó, nhiều dự án nông lâm nghiệp kém hiệu quả do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện tại các xã Đắk Ngo, Quảng Trực, Quảng Tâm… trở thành những điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm và tranh chấp đất rừng. Tình trạng này kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh – trật tự, nhất là tại khu vực biên giới, tiếp giáp biên giới.

Nhiều dự án lớn cho huyện nghèo

Năm 2017, một dự án hạ tầng giao thông lớn được khởi động và thực sự tạo nên một động lực mới đối với hệ thống hạ tầng giao thông của huyện biên giới Tuy Đức. Đây là dự án có điểm đầu là Quốc lộ 14 (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đi qua hai Tỉnh lộ 686, 681, Quốc lộ 14C (cũ) và điểm cuối là cửa khẩu Bu P’răng .

Đắk Nông: Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nơi vùng cao biên giới ảnh 2Các đoạn hư hỏng, xuống cấp trên Tỉnh lộ 1 sẽ được sửa chữa, đảm bảo việc lưu thông của người dân. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Dự án mang tên đầy đủ là "dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, tiểu dự án tỉnh Đắk Nông" và có tổng vốn đầu tư hơn 380 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á. Đến nay, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng. Người dân hai huyện Đắk Song, Tuy Đức nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung có thêm một tuyến đường quy mô, được đầu tư bài bản, thuận lợi cho giao thương, đi lại. Huyện Tuy Đức có thêm một tuyến đường lớn để kết nối với các huyện lân cận cũng như thành phố Gia Nghĩa. Và việc di chuyển từ cửa khẩu Bu B’rằng vào trung tâm huyện Tuy Đức nói riêng, trung tâm tỉnh Đắk Nông nói chung trở nên thuận lợi, dễ dàng.

Kế đó, trong hai năm 2029 – 2020, Tỉnh lộ 1 (nối liền hai huyện Tuy Đức và Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) được đầu tư cải tạo, nâng cấp với tổng số vốn hơn 90 tỷ đồng. Đây là đoạn đường có tổng chiều dài hơn 26km, được đánh giá là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương. Cũng trong giai đoạn này, Quốc lộ 14C được đầu tư cải tạo, nâng cấp bài bản, giúp việc giao thương, đi lại tại khu vực biên giới của hai huyện Tuy Đức, Đắk Song thêm thuận lợi.

Hiện nay, theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Đức, đơn vị đang triển khai giai đoạn 2 dự án đường vào xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Tổng vốn đầu tư cả hai giai đoạn gần 140 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Sau khi dự án hoàn thành, sẽ không còn tình trạng từ xã tới huyện phải đi đường vòng như trước đây và hệ thống giao thông tại huyện Tuy Đức đã cơ bản được đầu tư cơ bản.

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, nhờ sự ưu tiên nguồn lực của cấp trên, mấy năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông tại huyện biên giới Tuy Đức đã được đầu tư tương đối bài bản, hoàn thiện. Hệ thống giao thông, từ đối nội đến đối ngoại được cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của người dân.

"Hiện nay, một số đoạn đường hư hỏng nhẹ đã được các đơn vị đầu tư cam kết sửa chữa, khắc phục khi hết mùa mưa. Huyện cũng đang tập trung triển khai việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường liên xã, liên thôn tại nhiều địa phương, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia" – ông Trần Vĩnh Phú thông tin thêm.

Ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông khẳng định, việc đầu tư cho hệ thống đường giao thông, nhất là tại khu vực biên giới đã tạo nên một động lực mới thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh tại khu vực này. Bên cạnh đó, việc đầu tư này cũng củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, giúp người dân thêm yên tâm, tự hào khi gắn bó với vùng biên giới, vùng sâu vùng xã của tổ quốc.

"Trong thời gian tới đây, Đắk Nông sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn lực cho việc phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại khu vực biên giới, khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đang triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) và nhiều địa phương sẽ được ưu tiên nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn", ông Nguyễn Nhân Bản thông tin thêm.

Hưng Thịnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm