Việc sáp nhập, đổi mới hệ thống y tế giúp ngành Y tế tập trung được nguồn lực, trang thiết bị, nguồn kinh phí. Ảnh: Bệnh nhân nội soi tiêu hóa tại BVĐK huyện Đắk Mil. Ảnh: baodaknong.org.vn |
Theo đó, các Trung tâm Y tế huyện mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện. Riêng thị xã Gia nghĩa do không có Bệnh viện Đa khoa nên Trung tâm Y tế thị xã mới chỉ bao gồm Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Y tế thị xã.
Sau khi thành lập Trung tâm Y tế mới ở tuyến huyện, thị xã đã tinh giản được nhiều đầu mối, sắp xếp lại vị trí việc làm cho phù hợp. Cụ thể, từ 23 đơn vị đầu mối đã giảm xuống còn 8 đơn vị; giảm từ 53 phòng, ban chức năng xuống còn 35 phòng chức năng; giảm từ 86 khoa chuyên môn xuống còn 76 khoa. Về vị trí việc làm: vị trí giám đốc đã giảm từ 20 người xuống còn 8 người, phó giám đốc giảm từ 37 người xuống còn 23 người. Các vị trí việc làm khác như văn thư – thủ quỹ, kế toán – hành chính cũng được sắp xếp, tinh gọn cho phù hợp với trình độ chuyên môn. Những người có trình độ chuyên môn về y tế mà kiêm nhiệm các việc khác khi sáp nhập sẽ bố trí đúng chức danh nghề nghiệp tại bộ phận chuyên môn.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, việc sáp nhập các đơn vị y tế tuyến huyện, thị xã thành Trung tâm Y tế góp phần giảm sự chồng chéo đối với y tế tuyến huyện và thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Trạm y tế tuyến xã. Bên cạnh đó, tăng cường được cán bộ có trình độ chuyên môn đang làm tại bộ phận hành chính cho các khoa nhất là cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ và nguồn nhân lực có chất lượng cao; phát huy tối đa khả năng phục vụ chuyên môn khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện, phát triển chuyên môn kỹ thuật và nâng cao hiệu quả hoạt động đối với y tế cơ sở. Đồng thời, ngành sẽ huy động được trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng.
Anh Dũng