Đắk Nông vừa ban hành Chương trình số 28-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhằm nâng cao chất lượng dạy và học gắn với việc triển khai Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo năm học 2024-2025 hoàn thành 100% kết quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tỷ lệ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 99,5%; trường chuẩn quốc gia 55,3%.
Đối với bậc giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục tỉnh ưu tiên kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; chuyển dần từ nền giáo dục nặng về truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực. Ở bậc giáo dục thường xuyên, Đắk Nông bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là vùng nông thôn, khó khăn, đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề, bảo đảm công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bền vững.
Về giải pháp, Đắk Nông chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa của quốc gia; bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa, sách giáo dục địa phương thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đắk Nông đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số. Tỉnh phấn đấu tập trung các nguồn lực phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, ngành Giáo dục tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông để đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục và thực hiện chính sách dân tộc trong giáo dục.
Đến thời điểm hiện tại, Đắk Nông có 156 trường chuẩn quốc gia (tăng 83 trường so với năm 2014). Tỉnh có 5.330 phòng học và phòng bộ môn, trong đó, số phòng kiên cố và bán kiên cố gần 5.300 phòng (chiếm 98,82%), tạm mượn 43 phòng. Tỉnh có 100% học sinh lớp 1 được ưu tiên bố trí 1 lớp/phòng và đủ tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; 100% cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn thực hiện chương trình mới theo đúng lộ trình và kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong giai đoạn 2015-2020, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển mạnh, toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông được quy hoạch, phát triển hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh. Việc đầu tư cho giáo dục và cơ cấu tài chính còn chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nguyên Dung