Nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững, Đắk Nông đang hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với thị trường. Với những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế làm động lực phát triển của tỉnh...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, nhiều mô hình nông nghiệp xanh đang phát triển mạnh tại các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Cư Jút, Krông Nô, Đắk R’lấp và thành phố Gia Nghĩa. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp Đắk Nông bình quân đạt 4,6%/ năm, chiếm tỷ trọng trên 37% cơ cấu kinh tế tỉnh; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 76 triệu đồng/ha.
Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết: “Xác định phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, từ nhiều năm qua, tỉnh đã chủ động xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Đề án được kỳ vọng đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh và phát triển bền vững”.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với diện tích 2.423 ha. Tỉnh hiện có trên 26.000 ha cây trồng các loại có chứng nhận chất lượng; 165 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; 47 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); 23 sản phẩm chủ lực với năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; Nhiều sản phẩm nông sản của Đắk Nông đã được xuất khẩu sang 35 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Krông Nô được ví là thủ phủ "sản xuất lương thực, thực phẩm" của tỉnh Đắk Nông với nhiều giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất như: ST24, ST25. Toàn huyện có 2 hợp tác xã thuộc xã Buôn Choáh có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao, 4 sao. Năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận vùng sản xuất lúa Buôn Choáh là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đầu tiên của tỉnh. Hiện tại, sản phẩm gạo Buôn Choáh được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhờ quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích khoảng 400 ha, trong đó có hơn 200 ha sản xuất rau an toàn, huyện Đắk Song kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Các hộ đồng bào đều được nâng cao ý thức liên kết vùng, tạo thuận lợi ở nhiều khâu từ giống, kỹ thuật, chăm sóc, thu hái đến tiêu thụ sản phẩm.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh, Đắk Nông sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị nông sản ứng dụng CNC đạt từ 20% trở lên và là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của cả nước vào năm 2030. Đến năm 2050, giá trị nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại chiếm ít nhất 70% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp của tỉnh.
Krak Knul