(Ảnh: Văn Thông/TTXVN) |
Cụ thể, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới được 40km, nâng cấp và nhựa hóa được 466km đường giao thông từ tỉnh lộ đến đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh từ 40% vào năm 2010 lên 54% năm 2015 đồng thời đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn như Quốc lộ 14, 14C; Quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4.
Đối với các tuyến tỉnh lộ, nếu như năm 2010, toàn tỉnh chỉ có khoảng 80% tuyến tỉnh lộ đã được nhựa hóa thì hiện nay đã nâng lên 100%. Trong năm 2015, tỉnh Đắk Nông cũng đã tiếp tục đầu tư xây dựng mới một số tuyến tỉnh lộ như đường tránh đô thị thị xã Gia Nghĩa, đường Đạo Nghĩa (huyện Đắk R’lấp), Quảng Khê (huyện Đắk Glong).
Đối với các tuyến huyện lộ, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 đến 2015 là 291 tỷ đồng để nâng cấp 46km đường nhựa, nâng tỷ lệ nhựa hóa từ 64% năm 2010 lên 80% năm 2015, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, việc mở mới thêm các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường đô thị đã tạo động lực cho phát triển liên vùng, thuận tiện trong việc lưu thông hàng hóa, đi lại, đặc biệt là đảm bảo đáp ứng lộ trình xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc đầu tư trên, tỉnh Đắk Nông cũng thực hiện tốt phong trào xây dựng giao thông nông thôn gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn này, riêng vốn huy động từ các nguồn cho xây dựng giao thông nông thôn đã đạt 554 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Toàn tỉnh Đắk Nông đã cứng hóa được 292km, nâng tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn từ 24% năm 2010 lên 35% năm 2015; 100% thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số có từ 1 đến 3km đường nhựa hóa.
Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2020, đối với hệ thống đường huyện tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V - miền núi, tỷ lệ nhựa hóa đạt 100%; hệ thống đường xã nâng tỷ lệ nhựa hóa, bêtông ximăng lên 60%; nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hệ thống đường thôn, buôn đạt 50%.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng các phương án tạo vốn từ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như khi xây dựng các dự án giao thông đô thị, đi qua các khu dân cư tập trung kèm theo phương án tạo vốn từ quỹ đất; huy động các nguồn vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh tham gia đầu tư các công trình giao thông.../.