Đăk Nông: An ninh nguồn nước - Vấn đề cấp thiết

Đăk Nông: An ninh nguồn nước - Vấn đề cấp thiết
Những con suối… “chết”

Đã bao năm nay, con suối Rô Man chảy qua thôn Nam Tiến, xã E Apô (Chư Jút - Đắk Nông) như một mạch nguồn hiện diện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây.

Mùa mưa cũng như mùa khô, con suối trở thành nơi tắm giặt và là nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vậy mà năm nay, chưa đến mùa khô, suối đã cạn, dòng nước đục ngầu và đến nay không còn giọt nước, trở thành con suối “chết” nằm trơ đáy. Đến nỗi, những cây cối xanh tươi dọc hai bên bờ suối nay cũng héo khô.

Cách đó không xa, con suối E Apô, dài khoảng 2km cũng chưa khi nào khô nước thì năm nay, mới đầu mùa khô đã cạn kiệt. Những con suối này đều bắt nguồn từ các dòng suối lớn ở thượng nguồn suối Đắk Wil và được bổ sung bởi các mạch nước ngầm gần đó. Tuy nhiên, khi các dòng suối thượng nguồn khô cạn, mạch nước ngầm tụt giảm, các con suối này không còn nước cung cấp nên đã trở thành những con suối “chết”.

Theo thống kê, đến cuối tháng 4/2016, mặc dù đã có những trận mưa bổ sung nguồn nước song toàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn ghi nhận hạn hán trên diện rộng, nhất là các huyện phía bắc của tỉnh. Vùng phía bắc các huyện Krông Nô, Chư Jút, Đắk Mil, lượng mưa tháng 4 không đáng kể. Tại trạm Đắk Mil, lượng mưa đo được 37,5mm. Các trạm còn lại không mưa do đó hạn hán tiếp tục phát triển diện rộng.

Những con suối chính như Đắk Sor, Ea Diêr và các suối nhỏ thuộc lưu vực hai suối này suy kiệt hoàn toàn, dòng chảy trông chờ vào việc điều tiết xả nước các hồ thượng nguồn như hồ Tây, hồ Đắk Sắk, Đắk Mol, hồ E29, hồ Đắk Diêr, Đắk D’rông.

Vùng phía Nam các huyện Đắk Song, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Gia Nghĩa, Đắk Glong tuy có mưa diện rộng nhưng lượng mưa thấp dưới 30mm nên hạn hán thiếu nước xảy ra cục bộ và đang phát triển diện rộng. Các suối chính Đắk Rung, Đắk Buk Sor, Đắk R’lấp, Đắk Ru, Đắk Nông, Đắk Glong dòng chảy còn nhưng rất ít, phụ thuộc hoàn toàn vào xả nước phát điện ở các nhà máy Thủy điện Đắk Rung 1, Đắk Rung 2, Đắk Nông 1, Đắk R’tih... Còn các suối cạn thượng nguồn đã kiệt hoàn toàn, ghi nhận một năm với số lượng suối “chết” nhiều nhất từ trước đến nay.
 
Nhiều diện tích lúa ở Đắk Mil bị ảnh hưởng do hạn hán
Nhiều diện tích lúa ở Đắk Mil bị ảnh hưởng do hạn hán
Hệ lụy đã rõ

Hạn hán đang hiện diện ngày càng rõ khi mà hệ lụy của nó đã tác động lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhiều hộ dân. Từ những con suối tồn tại theo quy luật tự nhiên thì đến nay đang “sống” nhờ sự điều tiết nước ở các hồ, đập nhân tạo. Thế nhưng, lượng nước ở những hồ, đập này cũng không phải là vô tận như suy nghĩ của nhiều người.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, tính đến cuối tháng 4/2016, các ao, hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn tỉnh qua đợt 4 bơm tưới phần lớn suy kiệt do không có nguồn nước bổ sung, ước tính có khoảng 10.000 ao hồ hết nước. Bên cạnh đó, hiện có 183/183 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường; 25 hồ chứa hết nước; 31 hồ chứa sử dụng ở mực nước dung tích chết. Ngoài ra còn có 2 đập dâng và 1 trạm bơm hết nước không hoạt động được.

Từ việc thiếu nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 23.004 ha cây trồng các loại. Cụ thể, có khoảng 22.755 ha cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu cà phê và hồ tiêu thiếu nước tưới. Trong đó, dự kiến có khoảng 18.722 ha bị sụt giảm năng suất do thiếu nước từ 30% đến 70%; 4.033 ha sụt giảm năng suất trên 70%.

Đối với cây ngắn ngày, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận hàng trăm ha lúa nước bị bỏ vụ hoặc giảm năng suất do không có nước hoặc thiếu nước tưới. Tổng thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp ở đợt hạn hán này ước tính khoảng 1.157 tỷ đồng.

Chưa kể đến, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.873 hộ dân với 24.365 nhân khẩu đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, trong đó: Krông Nô 2.140 hộ, Đắk Mil 823 hộ, Tuy Đức 500 hộ, Đắk Song 1.410 hộ; 7.500 nhân khẩu phải mua nước sinh hoạt giá từ 6.000 đến 10.000 đồng/m3 để dùng hàng ngày.

Thay đổi từ quan điểm đến hành động

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì Việt Nam có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Nếu chỉ xét lượng nước trên lưu vực sông vào mùa khô thì nước ta thuộc vào vùng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.

Một số khu vực như Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên thuộc loại khan hiếm nước. Tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó khoảng 63% lượng nước là từ nước ngoài chảy vào nước ta.

Ngoài nguyên nhân khách quan do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, do điều kiện khí hậu, thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu, còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, phá rừng, gây ô nhiễm... Nước sạch đang ngày một khan hiếm.

An ninh về nước cho đời sống và phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung đã và đang không được bảo đảm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về những cảnh báo này hoặc có biết thì cũng thờ ơ, xem như việc của các nhà chuyên môn, còn bản thân mình thì cứ sử dụng nước một cách vô tư, xem đây như là tài nguyên vô tận.

Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, có tính hệ thống và thực hiện kiên trì không chỉ riêng những nơi hạn hán mà trên toàn lưu vực sông với quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý suy giảm nguồn nước, khan hiếm nước. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện các chế tài đủ mạnh để bảo vệ và đảm bảo an ninh nguồn nước thì việc thay đổi từ quan điểm đến hành động của chính người sử dụng nước như khai thác, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, đa mục tiêu, hài hòa các lợi ích là vấn đề cần làm ngay từ bây giờ. Bởi vì, nước cũng là tài nguyên có hạn, nếu khai thác không đi đôi với tái tạo, bảo vệ thì dẫn đến mức cạn kiện, rất khó phục hồi.

Thực trạng chung hiện nay là người dân khi có nước thì dùng “vô tội vạ” còn khi khan hiếm nguồn nước thì tìm mọi cách để khai thác, kiếm tìm như khoan sâu vào lòng đất, đắp đập, ngăn dòng, tranh chấp để có nguồn nước bằng được chứ ít ai nghĩ đến nguyên nhân do thiếu nước. Trong khi, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến biến đổi khí hậu, giảm mạch nước ngầm, nước mặt là do hàng ngàn ha rừng đầu nguồn đã bị tàn phá, lấy đất canh tác.

Chưa kể đến, để có nguồn nước, mỗi ngày, đang có hàng trăm mũi khoan chĩa sâu xuống lòng đất kiếm tìm nguồn nước một cách vô tư, không hề có thăm dò, quy hoạch theo trình tự khoa học. Nhiều công trình hồ đập, mương dẫn nước đã bị người dân xâm lấn, phá hoại… Để rồi, trong khi nhiều khu vực đang héo mòn vì thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt thì hiện vẫn không ít người khu vực thuận lợi về nguồn nước vẫn cho rằng nguồn nước là vô tận, có chăng cũng chỉ là sự “đỏng đảnh” của thời tiết, qua cơn hạn hán rồi nước lại tràn trề khi đến mùa mưa.

Có thể hạn hán gay gắt hiện mới chỉ xảy ra cục bộ theo chu kỳ nhưng nếu chúng ta không xem đây là vấn đề cấp thiết, sớm thay đổi suy nghĩ, cách làm, ứng xử một cách đúng mực với nguồn nước thì mai sau, chắc chắn thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải hứng chịu những “cơn khát” nặng nề hơn
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm