Đắk Lắk xây dựng điểm đến an toàn để phục hồi, kích cầu du lịch

Đắk Lắk xây dựng điểm đến an toàn để phục hồi, kích cầu du lịch

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có nhiều lợi thế về liên kết vùng và giàu tiềm năng phát triển du lịch. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ngành Du lịch Đắk Lắk đang có những kế hoạch, giải pháp phục hồi trở lại, sẵn sàng đón khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch.

Đắk Lắk xây dựng điểm đến an toàn để phục hồi, kích cầu du lịch ảnh 1 Lễ hội đua voi ở huyện Lắk (Đắk Lắk) - Một hoạt động văn hóa thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Sẵn sàng phục hồi

 Tọa lạc trên Quốc lộ 26, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam (địa chỉ 789 Phạm Văn Đồng, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được ví như “bức tranh Tây Nguyên hoàn mỹ”. Với diện tích 17 ha, nơi đây là một điểm đến của Đắk Lắk thu hút đông đảo du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng những công trình mang đậm đà bản sắc của dân tộc Ê Đê. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khoảng 7 tháng nay, khu du lịch phải đóng cửa, ngưng đón khách. Hiện nay, trong trạng thái “bình thường mới”, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam đang trùng tu, bảo dưỡng, trồng hoa, làm đẹp cảnh quan và đầu tư xây mới, nâng cấp các homestay, mở rộng chăn nuôi để sẵn sàng đón khách trở lại cũng như đón năm mới 2022.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Ko Tam cho biết, trong 7 tháng qua, mặc dù Khu Du lịch đóng cửa song vẫn bố trí 20 nhân viên, bảo vệ để chăm sóc hoa và cây cảnh, bảo vệ tài sản, tránh để bất kỳ hạng mục nào xuống cấp. Trung bình mỗi tháng, Khu Du lịch phải chi khoảng 200 triệu đồng tiền điện, nước, lương chi trả cho nhân viên song vẫn kiên trì cầm cự. Hiện nay, Khu Du lịch đã sẵn sàng đón, phục vụ khách trở lại.

Để đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam sẽ phục vụ du khách theo nhóm nhỏ hoặc gia đình, khoảng cách khi ăn uống cách nhau từ 5m trở lên giữa các bàn; đồng thời, xây dựng nhiều gói trải nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc và chế biến cà phê, câu cá, bơi lội để phục vụ các nhu cầu khác nhau của du khách. Khu Du lịch sẽ cắt bỏ hoạt động uống rượu cần, chỉ đánh cồng chiêng và múa xoan phục vụ nhóm nhỏ nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Để thu hút du khách, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam không tăng giá vé dịp lễ, Tết.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh nhấn mạnh, khách ở các tỉnh, thành khác khi đến với Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam cần điều kiện đã tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19, có giấy test nhanh âm tính trong 72 giờ. Các yêu cầu theo thông điệp 5K của Bộ Y tế luôn được khu du lịch chú trọng thực hiện. Khu Du lịch đề nghị nhân viên thay đồ, xông sả trước khi tan làm. Nhờ đó trong thời gian qua, 150 nhân viên người Ê Đê sinh sống ở khắp các buôn làng tại thành phố Buôn Ma Thuột chưa có ai bị mắc COVID-19.

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư du lịch và Thương mại Đam San hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, lữ hành. Sau nhiều tháng đóng cửa, tạm dừng hoạt động, Công ty đang trang hoàng, sửa sang để đón khách trở lại. Toàn bộ nhân viên, người lao động của đơn vị đã tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19. Đơn vị đã xây dựng xong kế hoạch, phương án, các tour kích cầu du lịch để sẵn sàng đón và phục vụ du khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch.

Đắk Lắk xây dựng điểm đến an toàn để phục hồi, kích cầu du lịch ảnh 2Nhân viên một khu du lịch tại thành phố Buôn Ma Thuột cắm hoa, trang trí, sẵn sàng mở cửa và phục vụ du khách. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư du lịch và thương mại Đam San cho biết, du khách khi đến lưu trú tại khách sạn Đam San phải khai báo y tế, có giấy test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ và đã tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19. Nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của Đắk Lắk, đơn vị đang xây dựng và hướng đến du lịch canh nông, du lịch nghỉ dưỡng với không khí thoáng đãng, giúp du khách vừa trải nghiệm vừa chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, Công ty phối hợp với các đơn vị của hai tỉnh Đắk NôngKhánh Hòa để liên kết các tour du lịch khép kín như khám phá cánh đồng lúa, tắm bùn, nghỉ dưỡng.

Để sẵn sàng và chuẩn bị các điều kiện phục hồi hoạt động du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã họp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải, khu, điểm du lịch để bàn về các chương trình thu hút du khách. Đa số doanh nghiệp, khu, điểm du lịch đã trải lòng về những khó khăn, gồng gánh của doanh nghiệp trong đại dịch, đồng thời bày tỏ mong muốn thành phố Buôn Ma Thuột cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống đủ điều kiện phòng, chống dịch hoạt động trở lại để các đơn vị mạnh dạn nhận khách du lịch. Hiện nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch đã xây dựng điểm đến an toàn, chuẩn bị chu đáo các điều kiện, phương án phục vụ, kích cầu du lịch.

Giải pháp thúc đẩy hoạt động du lịch

Thực hiện các giải pháp để phục hồi, thúc đẩy hoạt động du lịch sau thời gian dài bị “đóng băng” do dịch COVID-19, Đắk Lắk đẩy mạnh hoạt động thông tin xúc tiến, quảng bá du lịch, tuyên truyền giới thiệu bộ quy tắc ứng xử “người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách”.

Đắk Lắk xây dựng điểm đến an toàn để phục hồi, kích cầu du lịch ảnh 3Một khu du lịch tại thành phố Buôn Ma Thuột xây mới homestay để phục vụ du khách trong dịp Tết. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Tỉnh hướng dẫn các đơn vị xây dựng chương trình du lịch mới, hấp dẫn với các gói sản phẩm kích cầu du lịch, chú trọng tuyên truyền về các điểm đến; tổ chức định kỳ chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng, ca kịch “Khát vọng Tây Nguyên”, hoạt động trưng bày triển lãm, vui chơi, hoạt náo tại một số khu, điểm đảm bảo phòng, chống dịch để phục vụ du khách; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về du lịch Đắk Lắk, cuộc thi ảnh đẹp và video clip về du lịch.

Để đón, phục vụ du khách an toàn, các đơn vị, doanh nghiệp tại Đắk Lắk sẽ liên kết từ vận chuyển, lưu trú đến tham quan, tạo ra chuỗi sản phẩm đặc thù và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm. Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk phối hợp triển khai các gói hợp tác hỗ trợ giá vé và dịch vụ hàng không, các chương trình du lịch hấp dẫn, đa dạng với giá thành phù hợp để kích cầu du lịch. Tỉnh chuẩn bị các phương án để đón và quản lý khách quốc tế, xây dựng gói sản phẩm theo thị hiếu của du khách.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch Đắk Lắk đẩy mạnh các chương trình kết nối, hợp tác kích cầu du lịch của tỉnh với một số địa phương trong nước như Đà Nẵng, Khánh Hòa. Tỉnh chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động trong lĩnh vực du lịch như: Hỗ trợ lãi suất vay vốn phục hồi du lịch sau đại dịch; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch...

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách du lịch sẽ chọn những điểm đến và cung đường đảm bảo an toàn với dịch. Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng điểm đến an toàn cho chính đơn vị mình, cùng phối hợp kích cầu du lịch, có những ưu đãi về giá để thu hút du khách. Ngoài ra, phát huy lợi thế liên kết vùng Tây Nguyên, các doanh nghiệp nên phối hợp xây dựng các tour 4 - 5 ngày để giúp du khách trải nghiệm, khám phá được các tỉnh Tây Nguyên theo mong muốn. Chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp làm lại du lịch từ đầu sau thời gian dài dừng hoạt động.

Để xây dựng sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh, độc đáo và hấp dẫn, thời gian tới, Đắk Lắk tập trung phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch đáp ứng thị trường. Tỉnh ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao, hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp. Tỉnh xây dựng các dịch vụ du lịch hấp dẫn như chèo thuyền Kayak vượt thác ghềnh trên sông Sêrêpôk; leo núi, cắm trại trong Vườn Quốc gia Yok Dôn; hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng cho các buôn đồng bào dân tộc Ê Đê, M’nông. Đắk Lắk tập trung phát triển mô hình du lịch thân thiện với voi; kêu gọi đầu tư phát triển, mở rộng các sản phẩm du lịch sinh thái, thể thao, mạo hiểm, dự án phát triển du lịch.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, ngành đang phối hợp với các địa phương, đơn vị khảo sát, xây dựng những sản phẩm du lịch mới cũng như làm mới sản phẩm du lịch. Sở tổ chức kiểm tra các đơn vị có đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, đón khách và phối hợp tổ chức tập huấn phòng, chống dịch, du lịch thông minh cho nhân lực ngành Du lịch. Đồng thời, Sở phối hợp với ngành Du lịch các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để xây dựng, chào bán các chương trình phục vụ du lịch.

Khép lại năm 2021, ngành Du lịch Đắk Lắk chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 khi doanh thu và tổng lượt khách đón tiếp giảm gần 50% so với năm 2020. Với những giải pháp đang triển khai, ngành Du lịch Đắk Lắk mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từng bước phục hồi hoạt động du lịch, khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có để hấp dẫn du khách đến với Đắk Lắk - vùng đất thân thiện, văn minh, mến khách.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm