Đắk Lắk tìm việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đắk Lắk là địa phương có lực lượng lao động dồi dào. Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được tỉnh Đắk Lắk quan tâm thực hiện và đạt kết quả đáng kể. Đây là cơ hội giúp người lao động tăng thu nhập, thoát nghèo, làm giàu bền vững, nhất là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

daklakvieclamngoainuoc.jpg
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (bìa phải) đến tận nhà người lao động dân tộc thiểu số ở xã Cư M'tar (huyện M'Drắk) tư vấn việc làm ngoài nước. Ảnh: baodaklak.vn

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk cho biết, trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã giới thiệu đến các địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp liên hệ tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, Trung tâm đã làm việc và phối hợp với hơn 20 đơn vị, nhu cầu tuyển dụng là hơn 10.000 người.

9 tháng năm 2024, Trung tâm đã phối hợp tham gia, tổ chức 2 Ngày hội việc làm; 59 Phiên giao dịch việc làm; 32 buổi tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động; 19 Hội nghị tuyên truyền, tư vấn về đi làm việc ở nước ngoài tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số... Bằng nhiều hình thức tổ chức, đã có hơn 29.000 lượt người được Trung tâm tư vấn việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hơn 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh đã đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Đắk Lắk là tỉnh được đánh giá có lực lượng lao động tương đối dồi dào, người lao động nơi đây cần cù, chịu khó... Đây cũng là yếu tố thuận lợi trong việc tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngoài thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... , từ đầu năm 2024, Trung tâm đã tìm hiểu thêm nhiều thị trường mới như: Romania, Singapore, Ba Lan, Australia, Đức, Nga... để hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm đa dạng các thị trường để người lao động lựa chọn tham gia. Đa phần mức thu nhập tại các thị trường dao động từ 20-50 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp rất nhiều. Thông qua Trung tâm, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện các thị trường sử dụng lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… có dấu hiệu bão hòa, một số thị trường mới chưa có kết quả cụ thể nên người lao động còn nhiều băn khoăn, chưa sẵn sàng tham gia. Một số lao động, nhất là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa quen môi trường làm việc xa nhà với thời gian dài nên họ chưa sẵn sàng tham gia đi lao động ở nước ngoài...

Thời gian tới, Trung tâm tập trung ba giải pháp chính: Phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương thông tin thị trường nước ngoài tuyển dụng lao động, các chính sách hỗ trợ vay vốn đến tận thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số; tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động mới, triển vọng cho lao động lựa chọn; đẩy mạnh cập nhật thường xuyên các thông tin tuyển dụng lao động trên hệ thống mạng xã hội, website... để tuyên truyền cho người lao động. Qua đó, giúp người lao động nắm bắt kịp thời các thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp để dễ dàng tìm kiếm việc làm, ông Nguyễn Văn Cường thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Quang Thuân, thực hiện Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024 – 2026, Đắk Lắk phấn đấu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Với chỉ tiêu năm 2024, Đắk Lắk sẽ đưa 1.700 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến nay, đã có hơn 1.000 lao động xuất cảnh. Ngành Lao động phấn đấu, từ nay đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Để đáp ứng yêu cầu đối với các địa phương, huyện nghèo, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tư vấn cho người lao động đến tận thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Các huyện xây dựng kế hoạch phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, 100% buôn đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được tư vấn giải quyết việc làm trong, ngoài tỉnh, đặc biệt là đi lao động ở nước ngoài.

“Hiện nay, theo khảo sát tại các địa phương, nhiều người dân có nhu cầu rất muốn đi lao động thời vụ, đặc biệt thị trường Hàn Quốc. Qua hai năm thực hiện chương trình kết nghĩa giữa Đắk Lắk và tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), đã có ba huyện Ea Súp, Krông Năng và Ea H’Leo ký kết. Tuy nhiên, hiện chỉ có huyện Ea Sup đưa khoảng 200 lao động đi làm việc thời vụ. Qua khảo sát, những lao động làm tốt, chịu khó, sau 3 tháng, bình quân tiết kiệm 60-90 triệu đồng/người. Lao động Đắk Lắk khi tham gia làm việc được đánh giá cao. Đây là một trong những cơ hội giúp lao động có hướng làm việc trong thời gian tới”, ông Thuân thông tin thêm.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm