Sáng 31/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức Tọa đàm “80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam, văn học nghệ thuật Đắk Lắk”.
Đề dẫn tọa đàm, Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk cho biết, cách đây tròn 80 năm, Đảng ta ban hành bản Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023). Đây là văn kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bản Đề cương đã vạch ra phương hướng phát triển cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật - nền tảng tinh thần của quốc gia - dân tộc theo ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng; có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; định hình những quan điểm, nguyên tắc cơ bản cho thời kỳ đó và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong nhiều năm tiếp theo.
Tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk chủ trì tổ chức với mong muốn tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc của Đề cương. Đồng thời, tổng kết, đánh giá quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện; tập trung làm rõ vai trò quan trọng của Đề cương đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung, của Đắk Lắk nói riêng. Từ đó có những gợi ý, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển tư tưởng cốt lõi của Đề cương nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của văn học nghệ thuật Đắk Lắk trong thời kỳ mới.
Tại tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk Huỳnh Chiến Thắng mong muốn, thời gian tới, các đại biểu là nhà nghiên cứu, khoa học, cùng đội ngũ văn nghệ sỹ… tiếp tục nghiên cứu, có dự báo để văn hóa, văn nghệ tham gia và đóng góp sâu sắc hơn vào nhu cầu hưởng thụ của người dân; hình thành một hệ giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; đáp ứng sự phát triển của đất nước, của tỉnh phù hợp xu thế phát triển hiện nay.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị, trên cơ sở kết quả tọa đàm và từ thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật, đông đảo đội ngũ Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học, đặc biệt các văn nghệ sỹ cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa vùng Tây Nguyên nói riêng. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền văn học nghệ thuật để có thêm nhiều tác phẩm thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn, thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.
Các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận về vai trò của bản Đề cương văn hóa đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong văn hóa, văn học nghệ thuật hiện nay. Đồng thời, đề xuất phương hướng, giải pháp thiết thực trong tiếp tục triển khai tinh thần Đề cương; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Nguyên Dung