Người dân chăm sóc cây cà phê. Ảnh minh họa: TTXVN |
Dự kiến, từ nay đến năm 2030, trên 50% diện tích cà phê vối trên địa bàn được trồng cây che bóng, chắn gió chủ yếu là trồng các loại cây ăn quả lâu năm như bơ, sầu riêng, mít…Riêng mùa mưa năm nay, các nông hộ, doanh nghiệp cũng đã trồng được trên 1.000 ha các loại cây ăn quả lâu năm xen trong các lô cà phê.
Tiến sỹ Trương Hồng, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, trồng cây che bóng trong vườn cà phê giúp hạn chế được ánh sáng trực xạ, điều hòa nhiệt độ, giảm cường độ mưa và hạn chế sự hủy hoại cấu tượng đất. Đặc biệt, trồng cây che bóng trong vườn cà phê còn có tác dụng hút nước, chất dinh dưỡng ở các tầng sâu của đất, điều hòa được ẩm độ vào mùa khô, hạn chế tác hại của sương muối gây hại cà phê, giảm được số lần tưới nước cho cà phê trong mùa khô…nhưng năng suất cà phê vẫn đạt cao, ổn định.
Thực tế, qua các vườn cà phê vối có trồng cây che bóng chủ yếu là cây ăn quả lâu năm như bơ, sầu riêng, tiêu trồng trên cây trụ sống không những cho năng suất cà phê cao, ổn định mà còn có thu nhập tăng thêm từ các loại cây ăn quả, cao gấp 2 đến 2,5 lần so với trồng thuần cà phê. Cùng đó, Viện cũng như các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với sầu riêng, bơ, Viện đã hướng dẫn trồng xen với mật độ 90 cây sầu riêng, bơ/ha cà phê, hoặc tiêu thì 160 - 280 cây tiêu leo lên trụ sống hoặc 370 cây tiêu có trụ chết/ha cà phê nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến năng suất vườn cà phê…
Chị Nguyễn Thị Thái Hà, ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar), đã chọn nhóm giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng như bơ Booth 7, sầu riêng cơm vàng hạt lép, bưởi da xanh, tiêu trồng xen trong vườn cà phê với tổng diện tích 22 ha. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp thâm canh, nhất là bón phân, tưới nước theo đúng quy trình kỹ thuật.
Đặc biệt, chị Thái Hà đã lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm với công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israen trên toàn bộ diện tích cây trồng nên năng suất tăng cao, ổn định, trong đó, cà phê luôn đạt từ 4 tấn cà phê nhân/ha trở lên….Chị Hà cho biết, trong 2 năm trở lại đây, tuy vườn cây mới đưa vào kinh doanh nhưng doanh thu năm nào cũng đạt từ 7 tỷ đồng trở lên, vài năm đến khi vườn cây đi vào kinh doanh ổn định, với giá cả như hiện nay, thì chắc chắn doanh thu mỗi năm cũng đạt từ 10 tỷ đồng trở lên.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn 6C, xã vùng sâu Ea Wy (huyện Ea H’leo) có 3 ha cà phê kinh doanh cũng đã trồng xen sầu riêng với giống cơm vàng hạt lép, hồ tiêu mỗi năm cũng thu nhập từ 1 đến 1,5 tỷ đồng. Hay anh Lê Văn Long, ở xã vùng sâu Xuân Phú (huyện Krông Năng) trồng bơ làm cây che bóng cho 3 ha cà phê mỗi năm cũng có tổng thu nhập gần 500 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí, trong đó, cà phê chỉ thu lãi gần 150 triệu đồng, còn lại là thu lãi từ tiền bơ…
Anh Long cho biết thêm, trước đây, khi chưa trồng cây che bóng, mỗi khi đến mùa khô đến, gia đình tổ chức tưới cho cây cà phê từ 4 đến 5 đợt, thế nhưng từ khi trồng cây che bóng, số lần tưới cho cây cà phê giảm xuống từ 1 đến 2 đợt (tiết kiệm nhân công, chi phí xăn dầu, giảm lượng nước tưới…) nhưng vườn cây vẫn phát triển tốt, cà phê vẫn đạt 4 tấn cà phê nhân/ha…
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 35,5% diện tích cà phê có trồng xen cây che bóng, chắn gió, trong đó, huyện Cư M’gar vùng trong điểm cà phê của tỉnh cũng chỉ mới có trên 25% tổng diện tích cà phê có trồng cây che bóng, chắn gió . Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị chức năng, việc trồng cây che bóng, chắn gió trong vườn cà phê vối trên địa bàn còn quá ít so với yêu cầu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 203.357 ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Đây cũng là địa phương có diện tích, sản lượng và diện tích cà phê có trồng cây che bóng trong vườn cà phê nhiều nhất trong cả nước.
Quang Huy