Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 7 nhà máy sản xuất GKN với tổng công suất thiết kế đạt 78,3 triệu viên/ năm, có thể thay thế được khoảng 20-25% gạch đất sét nung. Tuy nhiên, trên thực tế, dù kỳ vọng rất nhiều ở loại vật liệu thân thiện với môi trường này nhưng thị trường phát triển GKN thời gian qua vẫn là bức tranh khá ảm đạm.
Đoàn công tác của tỉnh thăm cơ sở sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH xây dựng Đại Tín tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thông |
Là một trong những DN đầu tiên bắt tay vào sản xuất gạch GKN, từ năm 2013, Công ty TNHH xây dựng Đại Tín (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú) đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất, cùng với không ngừng cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm với các loại gạch block, trụ, ống, thẻ…, nhưng GKN lại gặp rất nhiều trở ngại trong việc thâm nhập thị trường. Ông Nguyễn Hữu Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc nhà máy cho hay, trong số 3 dây chuyền, máy móc được trang bị thì mới có 1 máy đi vào hoạt động, song chỉ sử dụng chưa đến 25% công suất thiết kế. Từ đầu năm đến nay mới chỉ tiêu thụ được 50.000-60.000 viên, lượng tồn kho mỗi ngày một nhiều khiến DN điêu đứng.
Tương tự, Công ty TNHH Mai Thiên Khánh cũng đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất GKN Block Việt (KCN Hòa Phú) từ năm 2015, nhưng cũng do “nghẽn” ở khâu tiêu thụ sản phẩm dẫn đến tình trạng phải hoạt động cầm chừng. Thực tế không mong đợi này khiến nhà máy phải cắt giảm nhiều lao động, từ chỗ có gần 20 nhân công làm việc thường xuyên nay chỉ còn chưa đến 10 người. Đại diện công ty này cho hay, mấy tháng nay đơn hàng chỉ nhỏ giọt khiến nhà máy đang đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, lợi nhuận sụt giảm, nhưng quan trọng hơn là việc làm cho người lao động sẽ không ổn định.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH xây dựng Đại Tín (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). |
Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng loại vật liệu này rất hạn chế, lượng tiêu thụ khá ì ạch, nhỏ giọt. Theo tìm hiểu, nguyên nhân một phần do những năm gần đây số công trình sử dụng vốn công của tỉnh còn khá ít, song rào cản lớn nhất khiến người tiêu dùng và các nhà thầu không mặn mà là do họ chưa có nhiều thông tin về sản phẩm này nên chưa tin dùng, trong khi việc sử dụng gạch nung truyền thống đã trở thành thói quen của nhiều người. Đáng nói hơn, tình trạng sản xuất và tiêu thụ gạch đất sét nung vẫn diễn ra phổ biến vì giá rẻ hơn GKN (giá GKN bán ra trên thị trường hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với gạch nung).
Chỉ thị số 04/2014/CT-UBND ngày 14-5-2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đã khuyến khích DN chủ động, tích cực đầu tư sản xuất và ưu tiên sử dụng VLXKN, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Theo đó, cũng quy định, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước từ sau năm 2015 bắt buộc phải sử dụng 100% VLXKN.
Như vậy, các quy định, cơ sở pháp lý liên quan đến sử dụng VLXKN đối với các công trình xây dựng đã được Nhà nước ban hành khá đầy đủ nhằm tạo nhiều điều kiện để hỗ trợ DN phát triển VLXKN nhưng đầu ra vẫn còn hạn hẹp. Do đó, thiết nghĩ, cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để người tiêu dùng hiểu đúng tác dụng, tính năng thân thiện với môi trường của GKN; thực hiện theo đúng kế hoạch tăng cường sử dụng VLXKN và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục… theo Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ những DN tiên phong trong việc đưa vào sản xuất loại vật liệu mới thân thiện với môi trường để hạ giá thành sản phẩm, tạo động lực khuyến khích người dân tin dùng GKN.
Báo Điện tử Đắk Lắk