Đắk Lắk đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững

Tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức còn tồn tại, tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để hướng tới mục tiêu giảm nghèo hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Ayun H’Hương cho biết, trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm, đến xuất khẩu lao động.

vna_potal_dak_lak_dong_bo_giai_phap_de_giam_ngheo_ben_vung_7725284.jpg
Tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 9,15%, tương đương 46.091 hộ nghèo, giảm bình quân 1,74%/năm. Riêng trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3,45%/năm. Tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động, trong đó có 3.570 người tham gia xuất khẩu lao động, tạo ra nguồn thu nhập ổn định và cải thiện đời sống cho hàng nghìn gia đình.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, bao gồm vay vốn ưu đãi, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền điện và bảo hiểm y tế..., đã được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Đặc biệt, những dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo như Ea Súp và M’Drắk đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

vna_potal_dak_lak_dong_bo_giai_phap_de_giam_ngheo_ben_vung_7725285.jpg
Gia đình chị Triệu Thị Eng, tại thôn 5, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được chính quyền địa phương hỗ trợ 4 con bò để phát triển sinh kế. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác giảm nghèo tại Đắk Lắk vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao, xếp thứ hai cả nước về số lượng hộ nghèo, chỉ sau tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở mức 19,7%, chiếm 67,76% tổng số hộ nghèo của tỉnh. Một số địa phương trong tỉnh chưa thực sự quyết liệt trong triển khai các chương trình giảm nghèo. Công tác đào tạo lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, việc làm bền vững cho người lao động tại chỗ còn hạn chế. Ngoài ra, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân, ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách giảm nghèo.

vna_potal_dak_lak_dong_bo_giai_phap_de_giam_ngheo_ben_vung_7725291.jpg
Ông Y Grôn Niê, tại Buôn Zách, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk được chính quyền hỗ trợ 4 con dê để phát triển kinh tế, đời sống của gia đình đã được nâng lên. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng các giải pháp trọng tâm cho năm 2024-2025. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, Lắk và M’Drắk sẽ được ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép ba Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ để phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

vna_potal_dak_lak_dong_bo_giai_phap_de_giam_ngheo_ben_vung_7725290.jpg
Chính quyền địa phương tổ chức động viên, thăm hỏi gia đình chị Pí Ngãi, buôn Ta Rao, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có con gái đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý chí vươn lên của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó, các chương trình tạo việc làm, đào tạo nghề và hỗ trợ sinh kế sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.

vna_potal_dak_lak_dong_bo_giai_phap_de_giam_ngheo_ben_vung_7725287.jpg
Từ khi con gái đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, đời sống gia đình chị Pí Ngãi (ở giữa), buôn Ta Rao, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk được nâng lên. Mỗi tháng con gửi về 20-30 triệu giúp gia đình trang trải, phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Một trong những giải pháp trọng điểm là thực hiện hiệu quả “Đề án đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024-2026” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 7/2/2024, nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xóa nhà ở không đảm bảo cho hộ nghèo vào cuối năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho các chương trình, dự án giảm nghèo. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả sẽ được nhân rộng, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác để tối ưu nguồn lực và đảm bảo tính bền vững.

vna_potal_dak_lak_dong_bo_giai_phap_de_giam_ngheo_ben_vung_7725286.jpg
Tháng 5/2023, chị Mo Huế (ở giữa), tại buôn Ra Lu, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là hộ nghèo được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò. Đến nay, bò mẹ đã đẻ ra bê con. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Với những nỗ lực và quyết tâm, Đắk Lắk kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5%-2%/năm trong năm 2024-2025. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực trong tỉnh.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm