Ngày 30/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra phiên thảo luận ở hội trường về triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đánh giá của cử tri Đắk Lắk, không khí phiên thảo luận sôi nổi, cởi mở, đề cập trực tiếp đến những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục cụ thể. Tại phiên thảo luận, cách điều hành của chủ tọa khoa học, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề cần được giải quyết.
Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, dân số hơn 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 36% dân số). Địa phương có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có hai huyện nghèo (M’Drắk, Ea Súp). Tình hình kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhất định. Công tác giải quyết việc làm và an sinh xã hội được chú trọng. Là tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn cao, cử tri Đắk Lắk luôn quan tâm đến việc thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Cư Pui là xã vùng sâu, thuộc diện khó khăn (vùng III) của huyện Krông Bông (Đắk Lắk), với dân số hơn 15.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 90% dân số. Là địa phương có đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, xã còn 1.472 hộ nghèo, chiếm 53,37% dân số.
Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được cấp ủy và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở các dự án, tiểu dự án theo nội dung của chương trình, xã Cư Pui đã chủ động triển khai thực hiện việc rà soát, thống kê và tổng hợp các nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của người dân sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để xây dựng các phương án và đăng ký với cấp trên. Sau khi có chủ trương của cấp trên, địa phương tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện lại các phương án để triển khai thực hiện ngay cho kịp tiến độ về thời gian, không để chậm trễ và lãng phí nguồn lực. Trong quá trình xây dựng phương án, địa phương quan tâm lựa chọn đối tượng thụ hưởng. Quan điểm trước hết là phải đảm bảo đúng đối tượng, đối tượng tham gia phải đủ các điều kiện kèm theo để đảm bảo thực hiện dự án đạt hiệu quả và đạt mục đích chương trình đề ra.
Đến nay, địa phương đang triển khai 3 dự án của chương trình năm 2023 là: Dự án hỗ trợ 20 con bò cái sinh sản cho 20 hộ dân (thuộc Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế); dự án hỗ trợ 3,3 ha giống và vật tư, kỹ thuật trồng cây dứa cho 12 hộ dân (thuộc Dự án 2); dự án truyền thông về giảm nghèo đa chiều (Dự án 6).
Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, trong quá trình thực hiện còn tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành các văn bản của chương trình, phân bổ ngân sách chậm, làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn. Việc lồng ghép các chương trình có hạn, chưa phát huy hết quyền làm chủ, sự tham gia của người dân vào công tác giảm nghèo. Người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức còn hạn chế, ý thức trách nhiệm chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước. Do đó, kết quả thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm chưa thật sự bền vững…
Về đề xuất, kiến nghị, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho rằng, cần ban hành những văn bản hướng dẫn kịp thời, chặt chẽ và chi tiết để các địa phương dễ thực hiện và đảm bảo về tính pháp lý; cần có chủ trương phân bổ nguồn vốn sớm; đồng thời, các ngành chuyên môn phải khẩn trương triển khai, hướng dẫn cho địa phương cơ sở để tổ chức thực hiện và giải ngân kịp thời hơn. Để một hộ gia đình thoát nghèo bền vững, cần có những chương trình lồng ghép khác, mới đủ nguồn lực và điều kiện để phát triển và duy trì bền vững dự án được hỗ trợ.
Theo ông Phạm Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu công tác giảm nghèo trên địa bàn trong nhiệm kỳ 2015-2020 đạt nhiều kết quả, làm tiền đề để nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm tương đối cao, đạt 1,85%. Đến nay, tổng số hộ nghèo tại tỉnh là hơn 54.600 hộ, chiếm tỷ lệ 10,94%. Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh từ 1,5 - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3- 4%/năm.
Để làm được điều này, thời gian tới, Đắk Lắk đề ra các giải pháp như: Quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ phối hợp các huyện, thị xã, thành phố rà soát hộ nghèo, cận nghèo để năm sau có kế hoạch thực hiện kết quả giảm nghèo tốt hơn.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, quá trình thực hiện chương trình tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi về đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ, cơ chế quản lý so với giai đoạn trước. Số dự án, tiểu dự án thành phần nhiều hơn, cơ chế quản lý chặt chẽ hơn…, các cấp, ngành cần nhiều thời gian để nghiên cứu, hướng dẫn triển khai; các nội dung hướng dẫn của Chương trình được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nội dung dài... gây khó khăn trong công tác nắm bắt, vận dụng. Bên cạnh đó, địa bàn tỉnh Đắk Lắk diện tích rộng, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn tương đối cao, do đó cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm liên quan đến vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản, hướng dẫn để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đúng nội dung, đối tượng thụ hưởng và tránh trùng lặp giữa các chương trình. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ…, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình.
Nguyên Dung