Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chú trọng hỗ trợ sinh kế để người dân thoát nghèo bền vững

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Phạm Thị Kiều phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Phạm Thị Kiều phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chú trọng hỗ trợ sinh kế để người dân thoát nghèo bền vững ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Đỗ Chí Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Kiến nghị thống nhất một cơ chế triển khai

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 3 chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. Báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá: "khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn". Từ đó, Đoàn kiến nghị cho thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Cùng với đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi.

Tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng thực tế hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia bước sang năm thứ ba nhưng còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn, các đại biểu đề nghị các Bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, theo báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn tổ chức quản lý thực hiện các chương trình đến nay cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, qua giám sát khảo sát cho thấy nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng khó hiểu khó thực hiện không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn; giải thích từ ngữ đầy đủ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản trong cùng một nội dung. Đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng Sổ tay hướng dẫn thực hiện; đồng thời bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo trùng lắp vào địa bàn đối tượng nguồn vốn gây thất thoát lãng phí làm giảm hiệu quả của các chương trình.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện. Bên cạnh đó có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Vì mỗi chương trình ban hành một cơ chế quy định riêng, dễ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện, đồng thời dễ gây bất đồng, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp để đảm bảo tính kịp thời. Cùng với đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình Văn phòng điều phối chung trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình, trong đó cần xác định vị trí pháp lý rõ ràng biên chế của Văn phòng được sử dụng trưng dụng tại các cơ quan, đơn vị mà hiện đang tham mưu thực hiện 3 Chương trình và không làm phát sinh biên chế các tỉnh, đồng thời bố trí nguồn kinh phí để văn phòng hoạt động hiệu quả.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chú trọng hỗ trợ sinh kế để người dân thoát nghèo bền vững ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Phạm Thị Kiều phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chú trọng hỗ trợ sinh kế

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, việc hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo cũng cần được chú trọng hơn vì đây là cách giúp thoát nghèo bền vững; cần đưa tiêu chí để đánh giá và đưa vào danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết.

"Cần đánh giá đúng thực trạng việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa, nhiều địa phương củng vì chỉ tiêu phấn đấu theo nghị quyết, theo kế hoạch hàng năm… nên đã vận động, thậm chí có nhiều cách làm với mục tiêu là giảm được số lượng trong khi chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất" - đại biểu nhấn mạnh.

Về công tác tuyên truyền, đại biểu cho rằng, trên thực tế, việc người dân, nhất là người nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ đối với quyền lợi, nghĩa vụ của mình không đạt như mong muốn. Truyền thông nhiều nơi không hiệu quả, còn mang tính hình thức hoặc chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền. Nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ.

Do đó, đại biểu đề nghị thời gian tới cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì khi người dân nắm được hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi hiệu quả, mang lại thực sự bền vững, lâu dài.

Cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, cần phải xem lại các tiêu chí về nông thôn mới.

"Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần phải xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp như nước sạch, hoả táng, nhà văn hoá xã đối với từng địa phương, đơn vị. Cần phải xem lại việc phân bổ kinh phí hàng năm luôn luôn chậm, việc này không chỉ xảy ra ở giai đoạn 2021 – 2025 mà cả những giai đoạn trước nhưng không được khắc phục triệt để, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương"- đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh.

Theo đại biểu, từ nay đến cuối 2025 chỉ còn hơn 2 năm tuy nhiên nhiều tiêu chí rất quan trọng lại khó về đích, còn cách xa chỉ tiêu đặt ra như: Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; tiêu chí về thu nhập; tiêu chí giảm nghèo đa chiều; tiêu chí về y tế; tiêu chí về môi trường, an toàn thực phẩm. Trong đó có 3 tiêu chí liên quan mật thiết với nhau, đồng thời cũng là các tiêu chí hết sức quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân cần phải được ưu tiên đầu tư, chú trọng đó là sản xuất, thu nhập và giảm nghèo bởi vì suy cho cùng nông thôn mới cái đích đầu tiên là phải làm cho đời sống nhân dân được nâng lên nếu không sẽ kém phần ý nghĩa.

Xuân Tùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm