Đắk Lắk: Ba học sinh lớp 6 nhập viện cấp cứu do tự chế pháo nổ

Ngày 15/12, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện vừa tiếp nhận ba học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng đa chấn thương do tự chế tạo pháo nổ.

vna_potal_dak_lak_ba_hoc_sinh_lop_6_nhap_vien_cap_cuu_do_tu_che_tao_phao_no_7757862.jpg
Bác sỹ thăm khám cho em P.C.H bị dập nát ngón tay do tự chế tạo pháo nổ. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Theo đó, ba em học sinh là L.B.H, P.C.H và L.H.A.N (cùng là học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, xã Tam Giang, huyện Krông Năng). Vào khoảng 18 giờ 30 đến 19 giờ 30 ngày 14/12, ba học sinh được chuyển tới Bệnh viện từ Trung tâm Y tế huyện Krông Năng trong tình trạng bị thương ở nhiều nơi, nhiều mảnh thủy tinh găm vào người, 1 em bị dập nát ngón tay.

Đang nằm tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, em P.C.H cho biết, ngày 14/12, sau khi đi học về, các em rủ nhau tập trung tại một khu vực vắng vẻ gần nhà để tự chế tạo pháo nổ. Các vật liệu chế tạo pháo được các em mua tại một tài khoản trên tiktok. Sau khi xem các hướng dẫn từ tài khoản trên, ba em rủ nhau cùng chế tạo. Các em sử dụng các vật liệu mua được bỏ vào một ly thủy tinh và khuấy lên. Trong quá trình khuấy hỗn hợp bỗng nhiên phát nổ. Do em H là người cầm ly thủy tinh, nên bị thương nặng nhất trong số ba học sinh. Em H bị dập nát ngón 1,2,3 tay bên phải do hỏa khí và đã được các bác sĩ tiến hành sửa mỏm cụt 3 ngón.

Đau lòng trước sự việc, bà Trần Thị Thu Hằng, mẹ bệnh nhân P.C.H (trú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình không hề biết về ý định rủ nhau chế tạo pháo của các cháu.

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Ngọc Hà (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, khoảng một tháng gần đây, Khoa tiếp nhận 4-5 trường hợp học sinh bị tai nạn do hỏa khí. Đa số các trường hợp bị tổn thương rất nặng ở hai bàn tay, bị mất 3-4 ngón tay, tổn thương mắt, cụt tay... Điều này khiến bệnh nhân mất chức năng, làm giảm khả năng lao động.

“Vào thời điểm gần và trước Tết âm lịch, số ca bị thương liên quan đến pháo nổ rất nhiều, đa phần pháo tự chế. Trung bình trong một tuần Khoa tiếp nhận khoảng 2-3 ca với lứa tuổi từ 12-16 tuổi. Nguyên nhân do các em độ tuổi này còn tò mò, hiếu động. Tai nạn do pháo nổ ảnh hưởng rất lớn, do đó, phụ huynh và nhà trường cần chăm sóc, giám sát các cháu kỹ càng, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Đặng Ngọc Hà thông tin.

Ông Trần Quang Vinh, Trưởng Công an huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, công tác tuyên truyền tác hại của việc chế tạo pháo là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đơn vị. Cụ thể, đầu năm học, lực lượng công an cũng đã tới các trường tổ chức tuyên truyền, trong đó có nội dung cấm học sinh chế tạo pháo nổ. Các cơ quan báo chí, mạng xã hội cũng thường xuyên phản ánh hậu quả của việc chế tạo pháo. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Theo ông Vinh, vấn đề này rất cần sự phối hợp quyết liệt của gia đình để giáo dục, răn đe, tuyên truyền các em, nhất là trong thời điểm Tết đang cận kề.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm