Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại tỉnh Đắk Lắk, số ca nhập viện do pháo nổ tăng cao; trong đó có nhiều trường hợp chấn thương nặng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và để lại di chứng cả cuộc đời.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 8 - 15/2, các cơ sở y tế trên địa bàn đã khám, chữa bệnh cho 8.397 lượt người; trong đó có 33 trường hợp tai nạn do pháo nổ, pháo hoa.
Tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk), từ ngày 9 - 19/2, đơn vị tiếp nhận 9 trường hợp bị tai nạn về mắt liên quan đến pháo nổ, tăng đột biến so với những năm trước. Theo bác sỹ Ngô Văn Cường, Trưởng Khoa Mắt, những năm trước, đơn vị chỉ tiếp nhận vài ca, tuy nhiên năm nay, số ca tăng cao, đặc biệt là đêm 30 và sáng mùng 1 Tết. Trong số 9 ca nhập viện có đến 8 ca nặng. Nguy hiểm hơn, một bệnh nhân bị pháo hoa nổ bay vào mắt gây vỡ nhãn cầu khiến hỏng một mắt.
Bác sỹ Ngô Văn Cường cho biết, tai nạn về mắt liên quan đến pháo nổ rất nguy hiểm. Hầu hết các ca đều bị bỏng mắt nặng gây mù lòa. Nhiều ca sau khi lấy dị vật dẫn đến bị sẹo giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực sau này của bệnh nhân.
Trường hợp của em Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 2005, tại huyện Krông Ana, Đắk Lắk) bị tai nạn do pháo nổ gây ảnh hưởng thị lực về sau. Em Vũ cho biết, ngày 30 Tết, em được bạn cho pháo. Trong quá trình mở pháo ra để xem, không may do lực tay mạnh nên quả pháo bất ngờ gây nổ. Dị vật từ pháo nổ văng trúng hai mắt khiến em không nhìn thấy gì. Sau gần 10 ngày, dù đã được các bác sỹ lấy dị vật 3 - 4 lần, nhưng mắt em vẫn đau rát, nhìn mờ và phải tiếp tục chữa trị. “Em là ca bệnh nhẹ. Nhiều người mất tay, hỏng mắt do pháo nổ gây ra. Mọi người đừng sử dụng pháo trái phép sẽ ảnh hưởng đếm sức khỏe”, em Vũ chia sẻ.
Tương tự, em Trần Đức Phát (sinh năm 2014, tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) nhập viện Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào chiều mùng 6 Tết trong tình trạng loét thượng bì ngón 2, 3, 4 ở tay phải. Gia đình em Phát cho biết, mùng 2 Tết em nhặt được pháo trên đường rồi mang về nhà chơi. Trong quá trình đốt, pháo nổ khiến em bị cháy vùng da ở tay gây đau đớn.
Theo bác sỹ Trần Như Duy, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong dịp Tết, đơn vị tiếp nhận 16 bệnh nhân bị thương tích do pháo nổ, pháo hoa. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 10 -15 tuổi. Đa số vết thương do pháo hoa, pháo nổ thường gây cháy phần thịt, để lại dị vật… trên người bệnh nhân. Nguyên nhân do người bệnh trong quá trình đốt pháo cầm trên tay, pháo nổ gây tổn thương phần tay là chủ yếu. Các vết thương hầu hết là mất ngón tay, bàn tay… . Điều này sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và để lại di chứng cả cuộc đời.
Bác sỹ Trần Như Duy khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở trẻ không được sử dụng pháo, vật liệu nổ. Hiện nay, công nghệ hiện đại, trẻ có thể dễ dàng học và chế tạo pháo tại nhà. Khi bị thương do pháo nổ, gia đình cần cầm máu cho trẻ và đưa đến Trung tâm y tế gần nhất để được xử lý vết thương kịp thời.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng Công an đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, gia đình, khu dân cư, thôn, buôn… ký cam kết không mua, bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết. Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ 8 kg pháo hoa nổ không có hóa đơn, chứng từ tại thị xã Buôn Hồ; vận động nhân dân giao nộp 15 quả pháo nổ tại huyện Ea Súp, 1 hộp pháo nổ tại huyện Ea H’leo, ngăn chặn 2 đối tượng tàng trữ trái phép pháo tại huyện Krông Pắk… Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 12 trường hợp đốt pháo trái phép (giảm 23 trường hợp so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023).
Nguyên Dung