Thời gian qua, tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng học sinh (chủ yếu là các trường trung học cơ sở) tự chế tạo pháo diễn biến hết sức phức tạp, trực tiếp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự, trong đó có trường hợp tử vong hoặc bị thương tật suốt đời.
Nhiều vụ việc tai nạn do chế tạo pháo có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: Vụ nổ do chế tạo pháo xảy ra tại huyện Krông Ana, làm 2 học sinh tử vong, 2 học sinh khác bị thương nặng, vào ngày 25/12/2022; vụ nổ làm 1 em tử vong, 1 em bị thương nặng, xảy ra ngày 22/3/2023 tại huyện Ea Kar… Mới đây nhất, ngày 14/12, đã xảy ra vụ nổ nghiêm trọng do chế tạo pháo tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, làm 1 học sinh bị thương nặng; ngày 15/12, lực lượng Công an đã phát hiện 1 vụ, 6 trường hợp (học sinh tại huyện Krông Pắk) chế tạo pháo nổ, thu giữ 3,75kg tiền chất thuốc nổ, 56 quả pháo tự chế thành phẩm.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân do xuất phát từ tâm lý tò mò, thích khám phá của lứa tuổi thanh thiếu niên, tự chế tạo pháo để sử dụng hoặc bán kiếm lời. Các loại hóa chất phục vụ việc chế tạo pháo có thể dễ dàng mua bán trên các trang web; đồng thời, có sẵn nhiều video, clip hướng dẫn cụ thể cách chế tạo các loại pháo trên mạng Internet.
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng tự chế pháo nổ trong học sinh các trường học, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tai nạn do pháo, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của học sinh, an ninh, an toàn trong các trường học, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 11288/UBND–NC về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống việc tự chế pháo nổ trong học sinh các trường học.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có văn bản chỉ đạo khẩn để thực hiện các biện pháp phòng, chống tự chế tạo pháo nổ trong học sinh các trường học, nhất là đối với hệ học sinh Trung học cơ sở. Trong đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung thực hiện ngay một số nhóm vấn đề như: thông tin đến học sinh các vụ việc tai nạn do tự chế pháo để cảnh báo hậu quả về tính mạng, sức khỏe, hậu quả về pháp lý; khuyến khích các em tự nguyện báo cáo, giao nộp các loại pháo tự chế, các loại hóa chất, công cụ đang tàng trữ nhằm mục đích chế tạo pháo…
Các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác quản lý học sinh, nắm tình hình các trường hợp học sinh tự chế tạo pháo nổ, các trường hợp học sinh đang tàng trữ các loại hóa chất chế tạo pháo để phối hợp lực lượng Công an vận động, thu hồi, xử lý. Ngành sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục nếu không triển khai, thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, dẫn đến xảy ra các vụ việc tai nạn của học sinh trường mình liên quan đến pháo.
Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng Công an cơ sở phối hợp với các trường học trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phát động, nhằm cảnh báo, gắn với vận động thu hồi, thu gom các loại pháo nổ, hóa chất, công cụ sử dụng vào mục đích chế tạo pháo; tập trung điều tra làm rõ vụ, việc, đối tượng liên quan, kết luận nguyên nhân các vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do tự chế pháo thời gian qua theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý, thông tin tuyên truyền, công tác phát động thu hồi, thu gom các loại pháo tự chế, các loại hóa chất, công cụ phục vụ tự chế tạo pháo trong các trường học, nhất là các trường Trung học cơ sở tại địa phương. Riêng tại các địa bàn trọng điểm xảy ra tai nạn về pháo trong những năm qua của tỉnh (gồm các huyện Ea Kar, Krông Ana, Krông Pắk, thành phố Buôn Ma Thuột), UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quá trình thực hiện và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND tỉnh nếu không triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp, giải pháp, để xảy ra các vụ việc tai nạn tương tự.
Nguyên Dung