Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN |
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Lê Sơn Hải lưu ý, tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục quan tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác dân tộc, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc nhằm chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cần xác định giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm; từ đó thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền. Ngoài ra, Vĩnh Long cần gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực xã hội khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số; đẩy mạnh hỗ trợ và nâng cao mức tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào về y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý... Bên cạnh đó, tỉnh cần nâng cao dân chủ, phát huy vai trò của người có uy tín trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Với tinh thần “nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Long đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc của tỉnh bình quân hàng năm từ 3-4%; hỗ trợ 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn có đất ở, nhà ở ổn định. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được cung cấp điện và hộ sử dụng điện an toàn đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 98%… Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long, để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục triển khai tốt các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... Các ngành, địa phương cần chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử và di sản phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tự lực, tự cường, ra sức đua lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần cùng chính quyền xây dựng và phát triển địa phương. Vĩnh Long là địa phương có cơ cấu đa dân tộc. Ngoài người Kinh, các dân tộc khác chiếm khoảng 2,7% dân số; trong đó, người Khmer chiếm gần 2,1%, người Hoa và các dân tộc khác chiếm khoảng 0,6%. Giai đoạn 2014-2019, qua thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự quan tâm của địa phương, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm từ 4-5 %. Toàn tỉnh có 4/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn xã nông thôn mới. Các Trạm y tế các xã đã xây dựng đạt chuẩn và có y, bác sĩ khám, chữa bệnh; xây dựng mới 40 trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 82%. Tình hình an ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc được ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, những tập tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi… Dịp này, Đại hội đã bầu ra 5 đại biểu tiêu biểu dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần II năm 2020 và thông qua Quyết tâm thư của Đại hội. Cũng nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.
Lê Thúy Hằng