Tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Đại hội đã hiệp thương chọn cử 22 đại biểu tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II - năm 2020.
Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải biểu dương quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và quân dân Kiên Giang trong những năm qua. Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, làm cho các cấp, ngành và nhân dân nhận thức rõ, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cần thể chế hóa chủ trương, đường lối chính sách dân tộc của Đảng thành chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn lực triển khai chính sách dân tộc, đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là những nơi khó khăn, vùng căn cứ cách mạng; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh để ra sức lao động, sản xuất góp phần làm cho quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp.
Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng bức trướng cho đại hội. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Theo ông Danh Phúc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các chính chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2024 một cách đồng bộ và hiệu quả. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển và nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Kiên Giang xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; đặc biệt là xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng vững mạnh.
Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 15,48% dân số của tỉnh Kiên Giang. Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần thứ II, giai đoạn 2014-2019, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh đạt nhiều thành tích, nhiệm vụ đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng cải thiện, nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 10.346 hộ năm 2015, đến cuối năm 2018 còn 4.855 hộ. Tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88,3%, sử dụng điện đạt 98,6%. Đến nay, 100% xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế; 7/9 xã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 40 xã vùng dân tộc thiểu số được công nhận là xã nông thôn mới...
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, những năm qua, tỉnh huy động các nguồn vốn khác ngoài xã hội đầu tư hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó đã vận động xây hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; xây dựng trên 50 cầu bê tông, 800 cây nước bơm tay, hàng chục km đường giao thông nông thôn trị giá hàng chục tỷ đồng.
Tại đại hội, nhiều tập thể, cá nhân được Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực.
Lê Sen