Ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Thành Đạt -TTXVN |
Chương trình nghệ thuật gồm 2 phần với nhiều tác phẩm kinh điển của các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc tên tuổi của Việt Nam như: Nguyễn Đình Thi, Huy Du, Văn Cao, Đỗ Hồng Quân, Hoàng Đạm, Xuân Khải, Vũ Thanh, Đức Trịnh, Cát Vận, Trần Luận, Đỗ Kiên Cường, Thu Huệ…
Góp mặt trong chương trình là nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng: Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ; các Nghệ sĩ Ưu tú Cổ Huy Hùng, Bùi Lệ Chi; các nghệ sĩ Piano Trịnh Minh Trang, Thu Lê; các ca sĩ Hương Diệp, Đào Tố Loan, Hiền Xuân; nhóm Dòng thời gian; Dàn nhạc dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam... Chỉ huy dàn nhạc Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Thiếu Hoa.
NSND Quang Thọ biểu diễn tác phẩm “Trường ca Sông Lô”. Ảnh: Thành Đạt -TTXVN |
Tham dự chương trình, khán giả được thưởng thức các tác phẩm âm nhạc đã đi cùng năm tháng như: “Khúc hát ra khơi”, “Bài ca hy vọng”, “Người Hà Nội”, “Bài ca Hà Nội’, “Tình em”, “Trường ca Sông Lô”, “Lời của đá”. “Cám ơn mẹ”…
Khán giả cũng được hòa mình vào những âm điệu du dương, trầm bổng của Piano, đàn Nhị, đàn Bầu, đàn Tì bà, sáo Trúc… qua tác phẩm “Romance Vocalise cho Soprano”, “Tứ quý”, “Dòng kênh trong”, “Duyên gặp gỡ”, “Khói hương lan tỏa”, “Tình mẹ”, “Chung một niềm vui”…
Ngày 3/9/1960, Bác Hồ đã chỉ huy dàn nhạc hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca “Kết đoàn” chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Đại hội Đảng lần thứ 3 tại vườn Bách thảo, Hà Nội. Từ năm 2010, Ngày 3/9 được chọn làm “Ngày Âm nhạc Việt Nam”. Đây là ngày hội tôn vinh nền âm nhạc, động viên các văn nghệ sĩ phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam, phấn đấu có nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, giáo dục thế hệ trẻ.
Mỹ Bình
TTXVN