Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát về đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt tại Quảng Ninh. Ảnh: Trung Nguyên- TTXVN |
* Với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ông đánh giá như thế nào về sự lan tỏa của 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đến các vùng kinh tế và cả nước? - Các đặc khu kinh tế được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính. Một là, hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Các đặc khu này cũng sẽ trở thành nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Thêm nữa, với phương thức quản lý mới, hiện đại, các đặc khu cũng sẽ tạo ra môi trường sống hiện đại, xanh, an toàn cho người dân; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Hai là, chủ động tạo ra một “sân chơi mới” với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.* Thưa ông, để xây dựng các đặc khu thành công, một trong những yếu tố tiên quyết là phải tìm được nhà đầu tư chiến lược và xác định được dự án động lực. Nhưng cho đến nay, mới có Vân Đồn đã dần định hình “dáng dấp” nhà đầu tư chiến lược. Vậy, theo ông cách tiếp cận nhà đầu tư chiến lược đối với các đặc khu Phú Quốc và Bắc Vân Phong sẽ như thế nào? - Hiện nay, có 2 cách tiếp cận khác nhau về nhà đầu tư chiến lược. Đó là, xây dựng đặc khu dựa trên ý tưởng, kiến nghị của nhà đầu tư chiến lược sẵn có. Thể chế, chính sách cũng như mức độ cởi mở của đặc khu sẽ được Nhà nước xem xét dựa trên những kiến nghị này. Cách tiếp cận tiếp theo, chúng ta chủ động nghiên cứu thể chế, chính sách rồi mới xúc tiến kêu gọi đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp. Tôi cho rằng, ở cả hai cách tiếp cận này đều chỉ ra rằng nhà đầu tư chiến lược sẽ quyết định rất mạnh tới sự thành công của đặc khu từ việc phát triển ý tưởng, thể chế, khả năng quy hoạch tổng thể và khả năng đầu tư hạ tầng, kết nối với các nhà đầu tư khác để hội tụ tại đặc khu và cùng phát triển.* Nhà đầu tư chiến lược sẽ có vai trò đặc biệt ở đặc khu. Do đó, để hút nhà đầu tư chiến lược, trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã xây dựng những chính sách gì, thưa ông? - Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt đã đưa ra hàng loạt “quyền và nghĩa vụ chiến lược” đi kèm. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm đề xuất thực hiện; được tham gia đầu tư kinh doanh, phát triển, quản lý và vận hành các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và khu chức năng trong đặc khu; đến những ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.... hay thậm chí, là việc có thể tham gia lập, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại đặc khu… Theo tôi, mặc dù có 2 cách tiếp cận nhà đầu tư chiến lược để mở rộng thêm khả năng tiếp cận nhà đầu tư chiến lược cho cả 3 đặc khu sau khi hình thành nhưng rất nhiều hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên để sàng lọc nhà đầu tư tiềm năng. Nhà đầu tư chiến lược không phải chỉ dừng lại ở một vài dự án với một vài tỷ USD mà phải gắn với mục tiêu dài hạn và xuyên suốt sự phát triển của đặc khu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược ngoài việc đảm bảo các yếu tố về công nghệ cao, hiện đại, áp dụng phương thức quản lý hiện đại tiên tiến, có dự án quy mô lớn thì còn phải có đóng góp về ý tưởng phát triển đặc khu, quy hoạch đặc khu, đóng góp xây dựng cơ chế chính sách và kêu gọi các nhà đầu tư khác cùng tham gia đầu tư vào đặc khu.* Xin ông cho biết, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở các đặc khu này sẽ được thực hiện như thế nào? - Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đặc khu là một cấp chính quyền, có Hội đồng nhân dân đặc khu và Ủy ban nhân dân đặc khu được tổ chức tinh gọn, hiệu quả, có một số điểm mới so với hệ thống chính quyền địa phương hiện nay. Cụ thể, Hội đồng nhân dân đặc khu có tổng số đại biểu không quá 15 người, đa số đại biểu chuyên trách; không tổ chức Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân; UBND đặc khu do Hội đồng nhân dân đặc khu bầu, chỉ bao gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Ở cấp xã, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND mà tổ chức các Khu hành chính. Trưởng Khu hành chính do Chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm, là người đại diện của Chủ tịch UBND đặc khu tại khu hành chính. Bộ máy giúp việc của Hội đồng nhân dân, UBND gồm Văn phòng giúp việc chung Hội đồng nhân dân và UBND, các cơ quan chuyên môn (không quá 7 cơ quan) và Trung tâm hành chính công. Một điểm mới khác là sẽ giao thẩm quyền lớn cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thực thi quản lý nhà nước tại đặc khu; Hội đồng nhân dân đặc khu, UBND đặc khu chỉ quyết định những nội dung lớn, quan trọng của đặc khu. Về tổ chức cơ quan tư pháp; ngoài các thẩm quyền tương đương với Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định hiện hành; được bổ sung thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với các vụ việc, vụ án đặc thù về dân sự, hành chính (bao gồm cả các vụ án, vụ việc có yếu tố nước ngoài); về cơ cấu tổ chức, có thể được bổ sung các Tòa chuyên trách khác (như: Tòa kinh tế, Tòa hành chính) và có Thẩm phán cao cấp.* Xin cám ơn ông!
Thúy Hiền (thực hiện)