Trồng dâu, nuôi tằm đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Đạ Huoai vươn lên thoát nghèo |
Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Phước Lộc là 3 xã nghèo được thụ hưởng Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a. Nếu như khi bắt đầu triển khai Chương trình 30a, số hộ nghèo tại 3 xã này đều ở mức cao, thì đến cuối năm 2014, số hộ nghèo tại Đoàn Kết chỉ còn 29 hộ (so với 263 hộ năm 2010), Đạ P’Loa chỉ còn 59 hộ nghèo (so với 543 hộ năm 2010) và Phước Lộc chỉ còn 38 hộ nghèo (so với 501 hộ năm 2010). Riêng tại xã đặc biệt khó khăn Phước Lộc, nơi từng gọi là “túi nghèo” của huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 85% (năm 2010) xuống còn 5,77% như hiện nay.
Bà Ka Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết: “Để triển khai Chương trình 30a được hiệu quả, UBND huyện đã điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo. Theo đó, ngoài những hộ nghèo và cận nghèo, những hộ có mức sống trung bình cũng được hỗ trợ sản xuất. Đây chính là cơ sở để các hộ dân trên địa bàn xã có cơ hội giảm nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo”.
Bà Ka Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết: “Để triển khai Chương trình 30a được hiệu quả, UBND huyện đã điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo. Theo đó, ngoài những hộ nghèo và cận nghèo, những hộ có mức sống trung bình cũng được hỗ trợ sản xuất. Đây chính là cơ sở để các hộ dân trên địa bàn xã có cơ hội giảm nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo”.
Kết quả rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo ở Đạ Huoai còn 2,66%. Từ năm 2009 đến cuối năm 2014, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư cho hộ nghèo và cận nghèo, như: Cấp thẻ BHYT, trợ cấp tiền tết, hỗ trợ tiền trực tiếp, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hỗ trợ đất sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… Theo đánh giá, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 đã được lồng ghép triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả. Người dân ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi căn bản tập quán sản xuất. Bà con đã biết tính toán, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp và mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Quý Mỵ, Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai, huyện xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các tổ chức cơ sở Đảng hàng năm đều ra Nghị quyết giảm nghèo rất cụ thể và phân công cán bộ, đảng viên giám sát, đôn đốc và giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo. Việc giám sát được thực hiện ngay từ việc xác định đúng đối tượng nghèo; giám sát việc triển khai công tác giảm nghèo của chính quyền địa phương và giám sát cả sự trung thực của các hộ nghèo về nguồn thu nhập, mức sống để tránh tình trạng “không chịu” thoát nghèo.
Từ đầu năm đến nay, huyện Đạ Huoai tiếp tục triển khai Chương trình giảm nghèo với nhiều hạng mục đầu tư. Trong 6 tháng, huyện Đạ Huoai đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 218 hộ nhận khoán gần 5.000ha rừng. Nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đối với 3 xã thuộc Chương trình 30a (1 tỷ đồng/xã), huyện cũng đã hỗ trợ cho 740 lượt hộ chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, cao su, điều cao sản và đầu tư thâm canh cây trồng. Ngoài ra, huyện cũng thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương (Chương trình 135 giai đoạn 2) và của địa phương để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư máy móc và giống vật nuôi…
Ông Tăng Xuân Sóng, Trưởng Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Đạ Huoai cho biết: Với những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo, trong thời gian tới, huyện Đạ Huoai tiếp tục duy trì để hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về giảm nghèo phải được thực hiện tốt hơn nữa, nhằm giúp từng người dân, từng hộ nghèo và cận nghèo hiểu và ý thức được việc giảm nghèo là trách nhiệm của chính bản thân mình.
Báo Lâm Đồng