Đa dạng sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam

Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc ấn tượng với câu chuyện văn hóa vùng cao. Ảnh: Khánh Nguyên
Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc ấn tượng với câu chuyện văn hóa vùng cao. Ảnh: Khánh Nguyên

Diễn ra vào cuối tháng 8/2023, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ 20 năm 2023 đã tái hiện sinh động giá trị văn hóa, ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số dọc dãy Trường Sơn, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân và du khách gần xa…

Đa dạng sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam ảnh 1Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc ấn tượng với câu chuyện văn hóa vùng cao. Ảnh: Khánh Nguyên

Thời tiết nắng nóng nhưng không thể cản bước du khách đến với Khu bảo tồn văn hóa Bh’noong huyện Phước Sơn để chứng kiến Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ 20 năm 2023. Không thể rời mắt trước màn trình diễn của các đoàn nghệ nhân miền núi, chị Phạm Thị Bảo Ngọc (du khách đến từ Đà Nẵng) cho biết: “Ấn tượng nhất là các hoạt động tái hiện nghi thức cúng thần linh và cưới hỏi của đồng bào miền núi. Bên cạnh đó là không gian trình diễn sắc phục thổ cẩm, trưng bày và giới thiệu ẩm thực truyền thống”.

Đa dạng sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam ảnh 2Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ 20 năm 2023 tái hiện nhiều nghi thức của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: Khánh Nguyên
Đa dạng sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam ảnh 3Nhịp chiêng ngày hội. Ảnh: Khánh Nguyên

Vừa nâng ly rượu cần mời khách, Trần Thị Lưu Ly, cô gái người Cor ở huyện Bắc Trà My vừa hào hứng giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào vùng cao. “Đây là cá niên, loài cá được người dân địa phương bắt về từ các sông, suối trong rừng sâu. Thịt cá niên có vị ngọt, ruột hơi đắng, thường được nướng nguyên con để làm món ăn đãi khách quý” - Trần Thị Lưu Ly chia sẻ.

Phía bên đối diện, những cô gái Cơ-tu đến từ huyện Tây Giang cũng đang hoàn thiện các công đoạn chế biến ẩm thực. Chị Palăng Thị Bình Minh ở xã Lăng cho biết: “Các món ăn ở đây đều mang phong vị của núi rừng, từ cơm lam, bánh sừng trâu cho đến cá suối, măng rừng nhồi thịt…”. Cũng theo chị Palăng Thị Bình Minh, trong ngày hội năm nay, lần đầu tiên Tây Giang mang đến đặc sản Aviết - một loại rượu dành riêng cho phụ nữ có vị ngọt, mùi thơm nồng, thường dùng làm nước giải khát.

Đa dạng sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam ảnh 4Nghệ nhân Cơ-tu trổ tài điêu khắc. Ảnh: Khánh Nguyên
Đa dạng sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam ảnh 5Phụ nữ vùng cao trình diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Khánh Nguyên
Đa dạng sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam ảnh 6Độc đáo không gian ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc. Ảnh: Khánh Nguyên

Với sự chuẩn bị công phu, huyện “chủ nhà” Phước Sơn đã “trình làng” chương trình giới thiệu ẩm thực kết hợp trình diễn vũ điệu truyền thống đặc sắc. Ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Phước Sơn cho biết: “Chủ đạo trong các hoạt động là sắc màu văn hóa truyền thống được thể hiện như lời mời gọi du khách đến với ngày hội. Nhiều món ăn dân dã của huyện Phước Sơn được “nâng cấp” mang đến hương vị hấp dẫn, sự trải nghiệm độc đáo và ấn tượng cho du khách gần xa”.

Khánh Nguyên

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm